Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung hướng đến xuất khẩu

Báo Công Thương - Với quyết tâm và cam kết thành công của ông Cường, những người đứng đầu và ban dự án đã đồng ý để ông Cường triển khai phương án “cẩu chân què” và mọi việc đã thành công ngoài dự kiến.

“Cẩu chân què”- kỳ tích của sự sáng tạo, quyết đoán

Ông Nguyễn Bá Tân - Phó Chủ nhiệm thiết kế dự án Thủy điện Sơn La, phụ trách thiết bị công nghệ (Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện I) kể lại: Trong cuộc họp bàn về tiến độ Thủy điện Sơn La do ông Thái Phụng Nê - Phó trưởng ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La – Lai Châu chủ trì, khi bàn phương án đảm bảo tiến độ, chạy thử tổ máy số 1 vào tháng 12/2010, nhiều ý kiến khẳng định: Muốn chạy thử máy phải tích nước, thiết bị thủy công phải được lắp đặt thử khô. Trong khi đó, bê tông chưa đủ cao độ lắp cầu trục. Theo lý thuyết thì muốn thử phải có cầu trụ tạm (cầu trụ 700 tấn) và đường di chuyển cho cầu trụ di chuyển, tuy nhiên thực tế không khả thi vì cao trình thấp… Nhiều phương án đã được đưa ra nhưng đều phải gạt bỏ vì không khả thi!

Lúc này, ông Tân đã nghĩ đến một người - đó chính là ông Nguyễn Tăng Cường và Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình). Sở dĩ suy nghĩ đó lóe lên trong ông vì ông đã chứng kiến khả năng của cơ khí Quang Trung khi thi công Sê San 3 và những dự án khác. Ông tin tưởng đề xuất ý kiến mời ông Nguyễn Tăng Cường tham gia...

Và rồi, trong đêm nghỉ lại Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, với những trăn trở, lo cho tiến độ của dự án thế kỷ, ông Tân đã đánh thức ông Cường dậy! Ngay trong đêm, bên ấm trà, yêu cầu đặt ra của ông Tân bước đầu được ông Cường phác thảo, lên phương án thiết kế…

Ban đầu ông Cường đã đưa ra một số phương án và bảo vệ trước rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, thi công nhưng đều bị gạt bỏ vì hoài nghi về tính khả thi và độ an toàn. Ông Cường cho biết, cái khó khi thiết kế cần cẩu phục vụ xây dựng Thủy điện Sơn La là phải thiết kế cần cẩu tấn, một chân dưới mặt đất và một chân trên cao trình 162 mét gác vào thành đập… Vì vậy cần thiết kế “cẩu chân què”! Không chỉ sức chịu tải 350 tấn, mà với địa hình khe hẹp khi lệch tâm sức tải chịu của cẩu phải đến 700 tấn, thậm chí cả nghìn tấn.

Phương án kỹ thuật rất lạ và “phi truyền thống” này của ông Cường đã bị không ít chuyên gia phản đối. “Khi tôi đặt vấn đề, tất cả các bộ, ngành không ai cho làm. Nhiều người ủng hộ phương án mua cần cẩu từ nước ngoài vì lý do làm cẩu 500 tấn còn khó, huống chi lên tới cả ngàn tấn… Với sự tin tưởng vào những tính toán, phương án của mình, tôi đã lấy cả danh hiệu Anh hùng Lao động ra đặt cược…” - ông Cường kể lại trong niềm tự hào!

Với quyết tâm và cam kết thành công của ông Cường, những người đứng đầu và ban dự án đã đồng ý để ông Cường triển khai phương án “cẩu chân què” và mọi việc đã thành công ngoài dự kiến! Ông Cường giải thích thêm, giải pháp của ông đáp ứng tốt được yêu cầu 2 trong 1 của công trình lúc đó (thử cửa van trong khi công trình vẫn tiến hành xây dựng)…

Theo đánh giá của các chuyên gia, giải pháp công nghệ kỹ thuật của ông Nguyễn Tăng Cường là hết sức độc đáo và chưa ai dám làm. Trong điều kiện nguy hiểm, cao độ thấp, khe hẹp, mặt bằng và hiện trạng thi công thay đổi liên tục, “cẩu chân què” của cơ khí Quang Trung như chiếc chìa khóa thông minh hóa giải những khó khăn, đưa các thiết bị thủy công siêu trường, siêu trọng về đúng vị trí. Góp phần quan trọng đảm bảo tiến độ phát điện Thủy điện Sơn La theo kế hoạch đề ra, ghi dấu trên công trình thế kỷ.

Không chỉ có giải pháp công nghệ, kỹ thuật “lạ”, ngay câu chuyện vận chuyển “cầu chân què” lên Thủy điện Sơn La cũng lại một lần nữa cho thấy, Nguyễn Tăng Cường là con người của những “công nghệ lạ”- sáng tạo, quyết đoán khi ứng dụng công nghệ….

Ông Cường nhớ lại: “Quá trình vận chuyển cẩu đến công trường vào đúng thời điểm sông Hồng đang vào mùa nước cạn. Vận chuyển đến đoạn sông cách Hà Nội 15km, toàn bộ lô hàng bị mắc cạn. Rất nhiều phương án đã đưa ra nhưng đều không khả thi. Cuối cùng chúng tôi quyết định thả toàn bộ lô hàng xuống nước. Hội đồng và phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam không chấp thuận, vừa vì phương án này chưa có tiền lệ, đặc biệt thiết bị lại liên quan đến một công trình trọng điểm, mang tầm quốc gia. Giằng co hàng tuần vẫn chưa có giải pháp. Cuối cùng tôi đã chủ động xin được chịu trách nhiệm, vì nếu không quyết định nhanh, công trình Thủy điện Sơn La sẽ bị chậm một năm nữa.

Chúng tôi phải bơm ni-tơ vào trong các cần cẩu và thả nổi xuống sông, dùng xà lan kéo lên tới Thủy điện Hòa Bình. Sau đó, lại dùng các công nghệ đặc biệt để đưa những thiết bị dầm cẩu trục có tải trọng gần 2.000 tấn qua đập rồi kéo lên Sơn La. Những quyết định đầy táo bạo đó cũng là một trong những yếu tố giúp Thủy điện Sơn La hoàn thành đúng tiến độ…”.

Cùng với chiếc cần cẩu lắp đặt các cánh van thủy công của đập tràn, cửa nhận nước Nhà máy thủy điện Sơn La, giải pháp của Nguyễn Tăng Cường đã rút ngắn thời gian thi công, giúp phát điện sớm 2 năm, tiết kiệm cho EVN 5.600 tỉ đồng và làm lợi cho đất nước hàng chục ngàn tỉ...

Hướng đến xuất khẩu

Nói đến cần cẩu cỡ lớn, trên thế giới hiện nay chỉ có vài quốc gia làm được như: Phần Lan, Đức, Mỹ và Nga, gần đây là Trung Quốc. Các nước phát triển khác cũng chưa làm cần cẩu cỡ lớn trên 1.000 tấn như cơ khí Quang Trung.

Đối với Việt Nam, ngay với một viện lớn về lĩnh vực cơ khí trong nước, đề tài khoa học sản xuất cần cẩu cũng chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn là 5 tấn và mới nghiệm thu đề tài mà chưa đưa vào ứng dụng thực tế… Nhưng cơ khí Quang Trung đã làm được, đã chứng minh được cho mọi người thấy, thay vì nhập khẩu, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được cần cẩu, từ chỗ 5 tấn lên đến…  1.200 tấn – ông Cường nói.

Không chỉ tải trọng lớn, cần cẩu mang thương hiệu cơ khí Quang Trung còn có những ưu việt lớn. Ngay cả trong Sê San 3, rất nhiều chuyên gia lắp máy phải thừa nhận, cần cẩu của cơ khí Quang Trung tốt hơn so với thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều thiết bị ngoại nhập chạy kêu mà tính năng phức tạp. Trong khi cần cẩu của cơ khí Quang Trung vừa điều khiển được ở cabin vừa điều khiển được từ xa, thậm chí, khi thiết bị tiếp cận chỗ lắp ráp rồi thì không ngồi ở trên cabin để điều khiển nữa mà xuống dưới điều khiển, thậm chí xuống điều khiển chui xuống bên dưới của roto để điều khiển, ngó nghiêng, khe hở mỗi bên có 10ly…

Sản phẩm còn bao gồm toàn bộ cơ điện tử ở bên trong, rồi hệ thống điện động lực, hệ thống điện điều khiển bằng vi mạch PLC, hệ thống điều khiển vô cấp… Không những thế, cần cẩu sử dụng tại Thủy điện Sơn La còn áp dụng công nghệ điều khiển qua vệ tinh. “Với công nghệ này, ngồi tại đây (văn phòng Ninh Bình), chúng tôi có thể điều khiển cần cẩu trên Sơn La” - ông Nguyễn Tăng Cường say sưa nói về công nghệ cần cẩu do cơ khí Quang Trung chế tạo!

Được biết, thời gian tới, cơ khí Quang Trung sẽ đầu tư hoàn thiện công nghệ để sản xuất các loại cần cẩu chất lượng với nhiều tính năng hơn, hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm của Cơ khí Quang Trung trở thành sản phẩm “thương hiệu quốc gia”, hướng đến xuất khẩu như để khẳng định vị thế của ngành cơ khí Việt Nam - đặc biệt trong lĩnh vực cần cẩu nâng, hạ…

Scroll