Ứng dụng bất ngờ của siêu máy bơm chống ngập trong lĩnh vực nông nghiệp Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung

Nổi tiếng với sứ mệnh chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) từ tháng 9/2017, tổ hợp siêu máy bơm thông minh chống ngập do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Ninh Bình) tự thiết kế, chế tạo còn có khả năng ứng dụng bất ngờ trong lĩnh vực cấp nước cho nông nghiệp

Tổ hợp siêu máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (Quận Bình Thạnh, TPHCM) được Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tiến hành lắp đặt vào tháng 9/2017 và chính thức vận hành từ ngày 2/10/2017. Ngay khi siêu máy bơm đi vào hoạt động, UBND quận Bình Thạnh, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM nhận định máy bơm cơ bản mang lại hiệu quả, giúp giảm ngập, xe cộ qua lại tuyến đường này thuận tiện hơn. Đến tháng 4/2019, UBND TPHCM đã ký hợp đồng thuê siêu máy bơm của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung với giá hơn 14,2 tỉ đồng/năm.

Điều khác biệt của tổ hợp siêu máy bơm của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung so với các loại máy bơm ly tâm thông thường là siêu máy bơm được đặt ngầm dưới đất, ngang với miệng cống thoát và hoạt động không cần mồi nước. Thiết kế độc đáo, có một không hai này của siêu máy bơm cũng là một nguyên nhân khiến cho việc xác định giá thuê máy của UBND TPHCM gặp khó khăn khi không tìm được sản phẩm đối chứng.

Trong khi đó việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay đang gặp khó khăn do hệ thống các trạm bơm ly tâm truyền thống không hoạt động được do mực nước sông xuống thấp. Theo Viện Khoa học thủy lợi VN, hiện tổng số trạm bơm và máy bơm của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Khu 4 cũ là 4.996 trạm với 13.305 máy, riêng hạ du ven sông Hồng - Thái Bình có 502 trạm bơm các loại với 2.152 máy từ 800-32000m3/h.

Trong những năm gần đây, các trạm bơm ven sông nói chung và đặc biệt là ở hạ du sông Hồng, Thái Bình vào mùa kiệt đều bị thiếu nước. Đa số các trạm bơm, mực nước bể hút xuống thấp hơn so với mực nước thiết kế từ 0.5m đến 1.5m dẫn đến tình trạng hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả canh tác nông nghiệp.

Trong niên vụ Đông Xuân 2019-2020, lịch lấy nước phục vụ nông nghiệp tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành gồm 03 đợt, tổng cộng 18 ngày. Cũng để lấy được nước, trong thời gian này, mức nước tại Trạm thủy văn Hà Nội yêu cầu duy trì là 1,6 mét trở lên trong đợt 1; phải đạt độ cao 2 mét trở lên trong đợt 2 và từ 1,4 mét trở lên trong đợt 3.

Tuy nhiên, theo EVN với tình trạng khô hạn và lượng nước thiếu hụt ở các hồ trên lưu vực sông Hồng như mùa khô 2019, (thiếu hụt 7,2 tỷ m3, trong đó 03 hồ chứa trực tiếp tham gia xả nước thiếu hụt 3,7 tỷ m3), cùng với dự báo tình trạng khô hạn tiếp tục xảy ra ở các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 việc đảm bảo các yêu cầu cấp nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân và những tháng còn lại của mùa khô gặp rất nhiều khó khăn. EVN cũng cho biết, do không đủ nước thủy điện nên năm 2019 sẽ phải huy động nhiệt điện dầu là khoảng 2,5 tỷ kWh bù đắp vào.

“Nếu áp dụng tổ hợp siêu máy bơm của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung vào cấp nước cho sản xuất nông nghiệp sẽ chủ động được việc bơm nước cho đồng ruộng và các nhà máy thủy điện sẽ không phải xả nước các hồ chứa”, ông Nguyễn Tăng Cường – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung khẳng định.

Khẳng định của ông Nguyễn Tăng Cường không phải là không có cơ sở, thực tế để thuyết phục TPHCM cho lắp đặt siêu máy bơm chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã chế tạo mẫu một siêu máy bơm đặt trên xà lan hoạt động ngay dưới dòng sông Đá Bạch, TP Uông Bí.

Ngày 17/2/2017, Đoàn công tác của UBND TPHCM do ông Nguyễn Văn Tám – Phó GĐ Sở GTVT TPHCM dẫn đầu đã chứng kiến các kỹ sư của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã vận hành thành công tổ hợp siêu máy bơm trên dòng sông Đá Bạch.

Tổ hợp siêu máy bơm đã hoạt động tốt ở các mức nước ngập 1/3 ống cống, 2/3 và 100% ống cống. Theo giới thiệu của Tập đoàn, tổ hợp máy bơm thông minh có tối thiểu 5 cấp công suất, cấp nhỏ nhất là 27.000 m3/h, lớn nhất là 96.000 m3/h; với thiết kế đa cấp công suất, máy bơm sẽ hoạt động tiết kiệm, phù hợp với lượng nước mưa cần tiêu thoát. Máy hoạt động tự hành bằng động cơ diezen, không phụ vào nguồn điện.


Thiết bị có chiều dài 15m, rộng 6m và chiều cao 4,2m. Ống chính của thiết bị bơm có đường kính tương đương với đường kính của hệ thống công đường Nguyễn Hữu Cảnh là phi 1,6m. Khi lắp đặt thực tế, một đoạn ống cống trước khi đổ ra sông sẽ được cắt ra và đặt tổ hợp máy bơm xuống, lúc đó chỉ nổi trên mặt đất nhà điều hành và hệ thống tách rác.

Ông Nguyễn Tăng Cường – Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết: “Do kết nối trực tiếp với ống cống, máy bơm được thiết kế hoạt động tốt trong môi trường làm việc nước cống có nhiều chất nhầy, rác các loại. Khi thiết bị bơm hoạt động đẩy nước ra sông, đồng thời hệ thống vớt rác tự động sẽ đưa rác lên mặt đất, thuận tiện cho việc thu gom rác. Tổ hợp cũng tích hợp hệ thống van một chiều và có hai đường ống phụ cho phép nước công chảy tự nhiên qua thiết bị (khi máy bơm không hoạt động) và ngăn nước triều cường tràn vào hệ thống cống của thành phố”.

Thực tế hoạt động của tổ hợp siêu máy bơm hoạt động nổi trên sông Đá Bạch cho thấy tổ hợp siêu máy bơm sẽ lên xuống theo mực nước. Như vậy với việc ứng dụng vào cấp nước nông nghiệp thì việc phải đợi hồ thủy điện xả nước để dâng mực nước sông phục vụ bơm nước sẽ chấm dứt.

 

- Theo Báo Mới -

Scroll