Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN: Chuẩn bị không tốt nguy cơ sẽ đánh mất nguồn lao động

Sự dịch chuyển lao động “tự do” trong cộng đồng kinh tế ASEAN vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho thị trường lao động Việt Nam.

Cộng đồng kinh tế ASEAN khi được thành lập sẽ tạo nên một thị trường lao động lành nghề. Sự dịch chuyển “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động các nước ASEAN vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này với phóng viên TTXVN, các chuyên gia cũng như nhà quản lý thuộc các ngành nghề cho rằng, trong thời điểm này, các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp cần “tăng” chất lượng để lao động Việt Nam có thể cạnh tranh được với lao động trong khu vực.

Cơ hội theo nghĩa rất nhiều ngành, nghề mà Việt Nam đang có lợi thế như dệt may, da giày… xuất khẩu hàng đầu trên thế giới nếu tiếp tục gia tăng được khả năng cạnh tranh ở các ngành đó và thể hiện sự gia tăng trong khu vực thì Việt Nam có thể hội nhập tốt và tận dụng tốt khả năng cạnh tranh lao động.

Nhưng ngược lại, nhiều ngành sẽ gặp thách thức như trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nếu không có điều kiện để phát triển thì đương nhiên lao động có trình độ trong các ngành này sẽ dịch chuyển sang các nơi khác như Singapore, Thái Lan làm việc. Lúc đó, những lao động có tay nghề thấp hơn sẽ ở lại Việt Nam.

Hay ở lĩnh vực cơ khí, công nghệ cao đòi hỏi không chỉ về lao động, vốn, kỹ thuật sản xuất. Nếu công nghệ Việt Nam kém hơn thì sẽ mất cơ hội so với các nước. Những ngành này chủ yếu là lắp ráp nên dù Việt Nam có nhiều các yếu tố khác để cạnh tranh hơn khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN nhưng nếu chất lượng lao động không tốt thì sẽ mất lợi thế.

Hiện lực lượng lao động của Việt Nam rất lớn và càng ngày càng tăng. Đơn cử như năm 2014 thống kê là khoảng 57 triệu người và dự kiến năm tới sẽ là hơn 60 triệu người. Việc trang bị kỹ năng hay trình độ tùy thuộc vào định hướng chung của toàn bộ ngành kinh tế.

Vì vậy, Việt Nam phải xác định là ngành nào là chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, thì lúc đó mới có được xu hướng đào tạo lao động tập trung vào ngành đó. Còn những ngành không có lợi thế cũng phải tìm cách làm sao xây dựng và chuyển đổi để mang tính chất là hỗ trợ các ngành khác.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đòan Công nghiệp Quang Trung - Ông Nguyễn Tăng Cường: Đào tạo cần theo đơn đặt hàng để sát với thực tế

 

Khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, các doanh nghiệp nhất là ngành cơ khí sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ lãnh đạo, quản lý, công nhân các doanh nghiệp đều lúng túng. Ngay hàng ngũ giám đốc trình độ ngoại ngữ còn yếu kém, kinh nghiệm đàm phán, ứng xử đều thua nhiều nước. Trình độ của lực lượng lao động của Việt Nam không đồng đều, ý thức kỷ luật chưa cao.

Mặc dù Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã xây nhà cả nhà ở cho công nhân, có sân bóng, bể bơi… miễn phí cho cả gia đình công nhân nhưng ngược lại nhiều người lao động vẫn chưa sống vì doanh nghiệp, chưa có sự gắn bó, nỗ lực vượt khó cùng doanh nghiệp.

Cơ khí là một ngành đòi hỏi tới hơn 10 loại kỹ sư khác nhau, lao động cũng phải đào tạo trong và ngoài nước vì đặc thù công việc đòi hỏi sự chính xác cao. Đào tạo nhân lực mất công là vậy nhưng họ sẵn sàng bỏ nhà máy. Đây là điểm khác với các nước ví dụ như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Do đó, công nhân của nhiều doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Để hội nhập, từ trường học phải đào tạo theo đơn đặt hàng, để sát với thực tế.

Khó khăn của ngành khi gia nhập AEC hay cả TPP cũng vậy, yếu điểm chính là không có chiến lược lâu dài và thiếu lộ trình cụ thể nên phát triển nhỏ lẻ manh mún.

So với một số nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Mianma, Thái Lan, Việt Nam đang yếu hơn bởi các nước đầu tư cho lĩnh vực cơ khí bài bản hơn nhiều. Cùng với đó, mức thu nhập cho lao động trong lĩnh vực này ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp nên không hấp dẫn nguồn lao động tham gia. Đây là những khoảng trống mà khó lấp đầy ngay trong một sớm một chiều.

- Theo Ban Biên tập kinh tế, Thông tấn xã Việt Nam -

Scroll