Nguyễn Tăng Cường - nhà khoa học “tay ngang”

(Hà Nội Mới) - Ngày mai (18-2), lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ (KHCN) năm 2012 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Trong số các tập thể, cá nhân được vinh danh lần này có Nguyễn Tăng Cường, một người làm khoa học "tay ngang", giám đốc một doanh nghiệp (DN) KHCN duy nhất được trao thưởng đợt này.

"Người khùng" một thuở

(Hà Nội Mới) - Ngày mai (18-2), lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ (KHCN) năm 2012 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Trong số các tập thể, cá nhân được vinh danh lần này có Nguyễn Tăng Cường, một người làm khoa học "tay ngang", giám đốc một doanh nghiệp (DN) KHCN duy nhất được trao thưởng đợt này.

Được giới khoa học đánh giá cao về những sáng kiến "không giống ai" của mình, nhưng Nguyễn Tăng Cường khiêm tốn nhìn nhận mình học vị, học hàm không có, nhưng niềm đam mê, tinh thần hòa mình vào thực tế sản xuất để đúc kết kinh nghiệm thì luôn có thừa. Có những lúc, sáng kiến của ông bị coi là "khùng", nhưng nếu nhìn những gì mà Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (tỉnh Ninh Bình) cũng như bản thân ông đã trải qua thì tinh thần ấy chính là mấu chốt làm nên thành công.

 

Tập đoàn Quang Trung cung cấp cần cẩu lớn nhất Việt Nam cho thủy điện Sơn La


Vào thập kỷ 9 của thế kỷ trước, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung còn là tổ hợp tác, do một người lính xuất ngũ làm giám đốc, chẳng được ai để mắt tới. Lúc ấy, cả DN chỉ có hơn chục người, thiết bị chỉ là vài cái máy tiện mua thanh lý nhưng đã luyện thành công hơn 100 loại thép đặc chủng. Cơ ngơi khiêm tốn nên việc người ta đồn thổi xí nghiệp đi mua thép về rồi gắn mác của mình vào cũng là dễ hiểu. Thế nhưng, Cơ khí Quang Trung tiếp tục ghi điểm bằng việc chế tạo thành công tấm ghi đỡ clinker trong hệ thống sản xuất xi măng và chế tạo hệ thống ống dẫn axit cho Nhà máy Hóa chất Super Phốt phát Lâm Thao, những sản phẩm nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước phải bó tay.

Tên tuổi Cơ khí Quang Trung chỉ bắt đầu được chú ý trong lĩnh vực chế tạo thiết bị nâng hạ từ năm 2003, khi đơn vị này sản xuất được cẩu chân đế 80 tấn. Năm 2005, tại Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2005, Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu đã ký mua một loạt cần trục và cẩu chân đế - tải trọng từ 30 đến 100 tấn - do Cơ khí Quang Trung sản xuất với hợp đồng trị giá 350 tỷ đồng. Việc trang bị một loạt thiết bị nói trên cùng với máy ép thủy lực đa chiều (có thể ép mũi tàu 53.000 tấn) đã giúp năng lực sản xuất của Nam Triệu tăng vọt. Một thành công "để đời" nữa của Cơ khí Quang Trung dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Tăng Cường là cung ứng cầu trục gian máy có sức nâng 1.200 tấn và cầu trục chân què 350 tấn cho Thủy điện Sơn La, góp phần đưa công trình đi vào hoạt động sớm 2 năm, làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỷ đồng do có thể phát điện sớm. Với chất lượng cao cả về sản phẩm lẫn dịch vụ hậu mãi, Cơ khí Quang Trung đã đột phá thành công vào thị trường cung ứng thiết bị nâng hạ, trở thành đối tác đáng tin cậy của nhiều DN đóng tàu, thi công công trình thủy điện khắp cả nước.

Hơn 300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có khá nhiều sáng kiến cấp Nhà nước đã giúp nâng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo lên mức hơn 90%, giá thành chỉ bằng 40-50% so với sản phẩm của Tây Âu và 60-70% so với sản phẩm của Trung Quốc. Các phụ tùng nhập ngoại chỉ còn biến tần, vòng bi. Phần quan trọng nhất là cơ khí chuyển động, tính toán kết cấu đều do DN tự giải quyết bằng nguồn nhân lực sẵn có, góp phần không nhỏ vào bước đột phá của ngành cơ khí Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Quyết tâm từ hai phía

Ít ai biết rằng ở thời kỳ 1990-1995, ông Nguyễn Tăng Cường đã bỏ ra toàn bộ tiền bạc có được để mua các cần cẩu, cẩu trục cũ hỏng từ các DN bán phế liệu, rồi về "mổ" ra để nghiên cứu. Ông Cường cũng như tập thể cán bộ ở đây cho rằng, chính sự quyết tâm, dám dứt bỏ tư duy cũ, dám chịu trách nhiệm của Bộ KHCN để đầu tư cho DN khoa học tư nhân là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung. DN này đã được cho vay tới 279 tỷ đồng từ vốn ưu đãi Nhà nước trên tổng số 6.200 tỷ đồng đầu tư của đơn vị. Không những vậy, các nhà khoa học ở đây đã và đang tham gia hàng chục đề tài khoa học, một số dự án KHCN và cũng nhận được hàng chục tỷ đồng tiền hỗ trợ từ các cơ quan khoa học.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của KHCN trong sự phát triển, năm 2009, Cơ khí Quang Trung đã đưa Trung tâm Công nghệ cao vào hoạt động với dây chuyền công nghệ, các hệ điều khiển và lập trình gia công mới nhất của thế giới. Bên cạnh đó, DN đã mạnh dạn xây dựng phòng thí nghiệm kiểm định, kiểm nghiệm thiết bị nâng hạ siêu trường, siêu trọng… Đây là những tiền đề để DN nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công cầu trục gian máy có sức nâng 500 tấn cho Nhà máy Thủy điện Sê San 3, làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam do bảo đảm tiến độ thi công. 

Tin vui cho Giám đốc Nguyễn Tăng Cường khi đầu năm 2012, ông vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình "Ứng dụng 5 giải pháp KHCN chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam". Đây là giải thưởng cao quý nhất về KHCN dành cho những cống hiến của các nhà khoa học có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. "Tôi muốn chế tạo được nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng cao, giúp đất nước giảm được ngoại tệ nhập khẩu. Tôi thực sự mong muốn góp phần vào sự phát triển ngành cơ khí chế tạo, bởi thiếu nó thì ngành công nghiệp của đất nước không thể phát triển" - nhà khoa học, doanh nhân Nguyễn Tăng Cường thật lòng chia sẻ.

-Theo Minh Châu - Ánh Tuyết- Báo Hà Nội mới-

Scroll