Người chinh phục “điều diệu kỳ” ở Thủy điện Sơn La

(Chinhphu.vn) – “Điều diệu kỳ” ở Thủy điện Sơn La chính là việc chế tạo chiếc cẩu trục sức nâng 1.200 tấn, với tỷ lệ nội địa hóa tới 80% do một người không có bằng kỹ sư Cơ khí-Chế tạo chính quy đảm nhận. Người đó là ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, Ninh Bình.

Tôi tìm đến ông Nguyễn Tăng Cường theo lời giới thiệu của Giáo sư-Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu và khi nhắc đến ông, nhà bác học hàng đầu của Việt Nam cứ tấm tắc: “Tớ phục lăn cái tay Cường này vì cậu ấy đã góp phần không nhỏ để Thuỷ điện Sơn La về đích sớm và tiết kiệm được bao tiền của cho đất nước”...

Nhà chế tạo cơ khí "không có bằng kỹ sư"

Bây giờ thành đạt rồi, nổi tiếng rồi… nhưng ông Nguyễn Tăng Cường vẫn không quên những năm tháng cơ cực, vất vả khi rời quân ngũ vào năm 1981.

Không có việc làm ông kiếm bộ đồ nghề sửa xe đạp ra góc con đường nhỏ ở TP Ninh Bình hành nghề vá xăm, sửa xe đạp đặng kiếm sống qua ngày. Thế nhưng trụ chẳng bao lâu vì suy đi tính lại chán chê, cộng thêm cái “gen” di truyền của bố là thợ cơ khí bậc 7/7 của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, ông quyết đi làm… cơ khí khi trong đầu chưa có chút kiến thức sơ đẳng nào về lĩnh vực này. Hai bố con bỏ hết vốn liếng trong nhà ra để mua máy đúc xi lanh, "đầu bò" cho xe máy và các loại máy móc nông cụ khác. Sau đó mày mò chuyển hướng sang đúc các chi tiết, phụ tùng cơ khí cho các nhà máy xi măng, hoá chất, dầu khí lớn cho đất nước.

Thế nhưng, ngoài “máu liều”, đam mê và chút vốn liếng thì ông Cường chẳng có gì cả mà nhất là không có bằng cấp. Nghe người bạn giới thiệu có người thợ giỏi làm tít mạn Yên Bái cho nhà máy Z183 là Nguyễn Văn Hiệp, ông lên tận nơi thuyết phục ông Hiệp về làm cho mình, rồi mua cho ông Hiệp cả chiếc xe máy DD 70 đỏ chót, mua nhà rồi chuyển khẩu cho cả gia đình ông về Ninh Bình để ông bạn yên tâm làm ăn. Sau đó ít lâu, ông lại quen được với một phó tiến sỹ cơ khí học ở Nga về dạy đại học tận trên Thái Nguyên là Mai Thanh Uông. Ông cũng đã thuyết phục ông Uông về làm cùng mình, bấy giờ ông Uông cũng khó khăn lắm. Nhà ở khu tập thể Kim Liên (Hà Nội) có mấy chục mét mà phải nuôi thêm cả gà để tăng thu nhập.

Sau khi ông Hiệp, ông Uông về làm cho mình, ông Cường tự tin hẳn lên bởi trong tay ông giờ có hẳn một thợ cơ khí giỏi và ông Cường tin rằng, mọi chuyện chắc sẽ… có hậu.

“Bộ ba” này lao vào nghiên cứu việc nấu gang sang thép. Mày mò mãi rồi cũng thành công, nhiều người biết đến ông, cửa hàng ăn nên làm ra nhưng ông vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó. Đó là kiến thức mới mà lâu nay ông không có bởi từ khi đi bộ đội đến giờ toàn… làm thực tế. Ông đăng ký một khoá học về quản trị kinh doanh của Đại học Tổng hợp Hà Nội có một số giáo sư nước ngoài giảng dạy. Chính lớp học này đã giúp ông rất nhiều đối với công việc quản lý về sau.

Khó khăn lại đến khi ông phó tiến sỹ và ông bạn thợ cơ khí “làm mình làm mẩy” với nhau, chẳng ai chịu ai nên đành chia tay, ông Cường lại một mình mày mò nghiên cứu và hỏi học bạn bè.

Rồi thành quả lao động của ông cũng được đền đáp khi Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung ra đời trên vùng đất cố đô Hoa Lư. Từ đấy, ông lại tiếp tục lao vào nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm cơ khí mà đất nước rất cần, nhất là trên các công trình, nhà máy thủy điện trên cả nước. Bao nhiêu tài sản tích lũy được, ông dồn ném hết vào nghề.

Cho đến khi, nấu được tất cả các loại mác thép đặc chủng chế tạo chi tiết trong môi trường khắc nghiệt cho các nhà máy xi măng, hóa chất... trình độ tay nghề cao lên thì cũng là lúc ông nhận thấy "cái áo này quá chật!". Ông thầm nghĩ, mình phải đi vào sản phẩm cơ khí đồng bộ mang thương hiệu Việt!

Với hoài bão lớn lao đó, ông mới bắt đầu nghiên cứu làm cần cẩu, nội địa hóa, modun hóa dần dần toàn bộ và đến nay, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung có thể làm được tới 50 chủng loại cần cẩu khác nhau.

Chiếc cầu trục 1.200 tấn đang tham gia lắp đặt roto máy phát Thủy điện Sơn La ngày 20/8/2010-Ảnh do nhân vật cung cấp

“Đánh cược” cho công trình thế kỷ

Trước khi đến với Thuỷ điện Sơn La, ông Cường cũng đã tham gia nhiều dự án, công trình thủy điện; cung cấp các loại cần cẩu cho những công trình lớn như Thuỷ điện Sê San 3, Bản Chát, Huội Quảng, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4. Riêng Thuỷ điện Sê San 3 việc hoàn thành chiếc cần cẩu 500 tấn chỉ trong hơn 2 tháng đã là “cứu cánh” cho nhà máy thuỷ điện này khi bị đối tác giao chậm hàng hơn 1 năm trời.

Vậy mà, khi đến với Thuỷ điện Sơn La thì ông thực sự hồi hợp bởi đó là công trình lớn nhất nước, lớn nhất cả Đông Nam Á, cả nước trông vào. Nhưng ông tin vào mình và mạnh dạn xin được thiết kế, chế tạochiếc cần cẩu lớn nhất Việt Nam có sức nâng 1.200 tấn, tỷ lệ nội địa hóa trên 80%.

Chiếc cẩu trục 1.200 tấn có tính năng vượt trội hơn hẳn các sản phẩm cùng loại của nước ngoài sản xuất như: hệ thống điều khiển từ xa được lập trình PLC có thể điều khiển ở cự ly 100m và cự ly hàng nghìn km thông qua hệ thống vệ tinh Vinasa; hoạt động với độ chính xác rất cao, có thể nâng hạ những mã hàng nặng trên 1.000 tấn, như chiếc roto của nhà máy Thủy điện Sơn La từ độ cao trên 30m xuống độ sâu để lắp vào stato (bên dưới) mà khe hở mỗi bên chỉ là 10 mm…

Nhận thức được tầm quan trọng vô cùng lớn của công trình nên sự lựa chọn được mất với ông là vô cùng khó khăn. Vì nếu thành công thì đây sẽ là một mốc son quan trọng cho ngành chế tạo máy của Việt Nam. Ta sẽ làm chủ được công nghệ chế tạo máy cho các công trình tiếp theo không mất ngoại tệ và giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động. Ngược lại, nếu thất bại thì “thương hiệu Nguyễn Tăng Cường và Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung” sẽ bị… "cuốn theo chiều gió".

Nhưng ông xin được đảm nhận công trình này với hoài bão, lòng đam mê cháy bỏng và danh dự để chứng minh một điều: ngành Chế tạo máy của Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo được chiếc cần cẩu tới 1.200 tấn.

Chiếc cầu trục 1.200 tấn đã đảm nhận lắp đặt 6 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La thành công một cách ngoạn mục. Cái mà nhiều người cho là “điều diệu kỳ” đã thành hiện thực và qua nó, ngành Cơ khí Việt Nam đã ghi danh chói sáng trên một công trình thủy điện lớn nhất đất nước hiện sừng sững trên thượng nguồn sông Đà. Cũng nhờ đó góp phần đưa công trình Thuỷ điện Sơn La về đích sớm, làm lợi cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng.

Những nỗ lực, cố gắng ông Nguyễn Tăng Cường đã được ghi nhận xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ năm 2012.

Và hôm nay (23/12), Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức khánh thành Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, công trình thế kỷ này sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá của đất nước

-Theo Chinhphu.vn-

Scroll