Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường là ông chủ của siêu thị cần cẩu duy nhất ở Việt Nam. Ông cũng chính là một trong những người “khùng” hiếm hoi khiến cho nhiều nhà khoa học, nhà quản lý phải thán phục vì nhiều công trình sáng tạo...
Từ chiếc cần cẩu ở Thủy điện Sơn La
Ngày 20/8/2010, khi chiếc rotor khổng lồ có trọng lượng 1.000 tấn – trái tim của tổ máy số 1 đã được lắp đặt thành công, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Công ty Cơ khí Quang Trung và tập thể cán bộ kỹ sư của nhà máy đã vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc. Thành công này đánh dấu một cột mốc quan trọng của công trình Thủy điện Sơn La, trên con đường tiến tới phát điện tổ máy đầu tiên cuối năm 2010.
Góp phần quyết định vào thành công này là chiếc cẩu trục có sức nâng 1.200 tấn do chính Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung sản xuất.
Tuy nhiên, để đi đến được thành công đó ít ai biết được trước khi được thi công tại nhà máy thủy điện ông Cường đã phải đứng trước một hội đồng khoa học quốc gia để bảo vệ quan điểm: Chiếc cần cẩu siêu trọng của ông sẽ đảm bảo vận hành 100% an toàn.
“Lúc đó đã có người nói, nếu như không thành công thì toàn bộ cửa đập sẽ vỡ tung, nước xối xuống đồng bằng như lũ, thì ai là người chịu trách nhiệm của tính mạng 25 triệu người dưới hạ lưu? Chắc chắn đó là một thảm họa không có cơ hội sửa chữa. Tôi khẳng định: Tôi có mặt ở công trình thủy điện Sơn La bằng trách nhiệm của một công dân Việt Nam, không chỉ đến với Sơn La bằng công nghệ hiện đại mà quan trọng hơn ở dưới đồng bằng đó cũng có gia đình tôi, bạn bè tôi, có hàng triệu người dân đang sống ở đó. Vì vậy mọi việc sẽ phải tính toán độ an toàn 100%”, ông Cường kể lại.
Sau này những người may mắn được tận mắt chứng kiến đều ấn tượng trước cảnh tượng chiếc cầu trục khổng lồ đang hạ chiếc rotor nặng hàng ngàn tấn xuống giữa trái tim của tổ máy số 1. Và nhiều người còn ngạc nhiên nhiều hơn nữa khi biết rằng chiếc cầu trục đó chính là một trong những sản phẩm phẩm cơ khí thủy công lần đầu tiên được chế tạo thành công tại Việt Nam và được hiểu là 100% “ Made in Vietnam”.
Được giới khoa học đánh giá cao về những sáng kiến “không giống ai” của mình, nhưng ông Nguyễn Tăng Cường luôn khiêm tốn chỉ nhận mình học vị học hàm không có, nhưng sự đam mê, lăn lộn trong thực tế sản xuất để từ đó kết thành kiến thức thì luôn có thừa.
Đến thăm khu công nghệ cao Quang Trung tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, mọi người không khỏi thán phục bởi đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có một siêu thị cần cầu lớn nhất Việt Nam. Hiện công ty đang thiết kế và chế tạo thêm hệ thống cảng biển nước sâu đa năng có thể tiếp nhận được hàng trọng tải hàng trăm nghìn tấn, bốc hàng từ tàu to sang tàu bé theo hình thức chuyển tải, tận dụng tiềm năng và lợi thế của vận tải đường thủy với giá thành thấp chỉ bằng 50% giá so với vận tải đường bộ…
Đến phát kiến “điên khùng”: Chế tạo máy phát điện bằng sóng biển
Câu chuyện về chiếc máy phát điện bằng sóng biển – một sáng kiến mới của ông Cường được thực hiện một cách ngẫu nhiên.
“Năm 2010 mọi người nói là “năm tuổi” của tôi, dù làm khoa học, với nguyên tắc đảm bảo là tính chính xác cao nhưng, mọi việc đều rất thận trọng. Nhưng trong một chuyến vận chuyển lô hàng bằng tàu thủy vào cảng Dung Quất, thì như một định mệnh, khi đến vùng biển Thanh Hóa chiếc tàu chở hàng đã bị bão đánh gãy đôi dầm, làm thủng tàu và nước chảy vào các lỗ thủng bị rò. Sau khi nhận được tin ông Cường quyết định lệnh cho toàn bộ thủy thủ đoàn cho tàu chạy ngược ra đến vùng biển Hải Thịnh, Nam Định khi cách bờ khoảng 7,5 km thì con tàu đã chìm gần hết…”, ông Cường kể lại.
Buồn vì những thành quả lao động của hàng ngàn công nhân bỗng chốc chìm dưới biển, ngay lập tức ông điều cán bộ ra nghiên cứu tình hình, tìm những đơn vị trục vớt. Ông Cường nói: “Lúc đó tôi rối lắm, chỉ biết sẽ khăn gói lên đường ra biển Hải Thịnh mà vẫn không biết phải chọn phương án nào, vì chỗ đó chỉ sâu 6 -7 mét nước, tàu lớn không vào được và số tiền thuê cũng không nhỏ chút nào…”.
“Gần 3 tuần nằm ngoài biển cùng anh em để trục vớt cần cẩu, tôi phát hiện ra một điều khá lạ đó là, những con sóng biển nhìn vốn hiền hòa như vậy nhưng ở dưới đáy biển thì những tờ tôn sắt dày tới 12 ly đều bị các nó xé ra như tàu lá dừa. Không thể tưởng tượng được ở dưới những cơn sóng đó lại ẩn chứa một sức mạnh khủng khiếp”, ông Cường nhớ lại.
Ông bỗng một nhen nhóm suy nghĩ: Tại sao mình lại không bắt những con sóng từng đánh chìm tàu của mình để tạo ra một điều hữu ích như làm ra điện chẳng hạn? Nghĩ vậy, nhưng ông lại bần thần đặt câu hỏi: Chả nhẽ thế giới lại chưa có ai nghĩ được điều này? Vậy là ngay khi lên bờ ông đã yêu cầu anh em kỹ thuật kiểm tra xem trên thế giới có mô hình năng lượng nào như vậy chưa thì anh em trả lời rằng thế giới họ đã làm từ năm 1890. Nghe thấy thế ông cho rằng ý tưởng của minh thật dở hơi. Thôi thì hãy trục vớt phần thiết bị của mình đã...
Nhưng những con sóng biển đó vẫn ám ảnh trong đầu ông rồi ông đi đến quyết định theo đuổi công trình này. Ông nghĩ nếu thành công thì năng lượng sóng biển sẽ vừa là nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường, lại vừa là những con đê chắn sóng hữu hiệu và mỗi một chiếc máy như ông sáng chế có thể cung cấp điện cho 25.000 hộ dân.
Quyết tâm làm rồi trong đầu lại lẫn thẩn nghĩ: Nếu làm thì phải đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi người ta sẽ hỏi là thế giới người ta làm lâu rồi chưa thành công mà có thành công thì chưa được vào thực tiễn, rồi còn nhiều thứ nữa...
Nhưng ông vẫn cứ quyết định đầu tư khoảng 30 tỷ đồng đầu tiên để làm hẳn một mô hình lớn tương đương với một máy phát điện 1 MW.
Sau thời gian nghiên cứu, ông thấy ở biển có rất nhiều kiểu sóng nhưng quy lại có 3 kiểu, một là sóng cuộn ngoài xa bờ, hai là sóng lừng mà thuyền bè nâng lên nâng xuống nhưng đứng yên và một loại sóng thứ 3 đó là nó sẽ làm thay đổi lưu lượng để ép sóng cuộn vào bờ.
“Một trong những nguyên lý để tôi áp dụng chế tạo chiếc máy phát điện đó là đón các cơn sóng biển vỗ vào bờ, khi sóng ép vào sẽ tạo ra áp suất. Cứ tưởng tượng các cơn sóng như một ống nước to, sau đó vỗ vào máy phát điện rồi được đưa về một ống nước bé để tạo ra áp suất. Tôi quan tâm nguyên lý đó vì cái đó nó ở gần bờ thi công cũng dễ mà ít tốn kém hơn”, ông Cường say sưa thuyết trình về công trình mà ông vốn rất tâm đắc.
Sau khi công trình đã thành hình hài, vấn đề còn lại là mua tua bin khí. Nhưng tìm hiểu khắp thế giới cũng chẳng có nơi nào chế tạo để đáp ứng cho yêu cầu của mình cả nên ông cũng sáng chế luôn. Cũng làm đi làm lại tới 7 lần mới được...
Dự kiến tháng 4/2012 chiếc máy phát điện này sẽ được vận hành tại vùng biển thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Đến giờ nhiều người vẫn gọi ông là “Cường khùng”, còn ông tự nhận có nhiều lúc mình cũng “điên”. Nhưng theo nhận xét của nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong thì việc “Cường “khùng” đi bằng chính đôi chân của mình với sức sáng tạo không ngờ đến khó tin trong ngành Cơ khí thì cái sự “khùng”, sự “điên” đó của Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường thật đáng trân trọng”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ đầu năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Điều khiến tôi rất mừng và hạnh phúc đó là lực lượng khoa học công nghệ của đất nước không cam chịu và làm cho mọi việc tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội cho dù những sáng kiến đó không phải ngành nghề của mình. Những doanh nghiệp dám nghĩ dám làm, chấp nhận bỏ tiền túi để nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước quả là điều đáng được trân trọng”.
Trong số những người dám nghĩ, dám làm mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhắc tới ở trên, có Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường.
-Theo Từ Lương- Báo Chinhphu.vn-