Định hướng phát triển ngành cơ khí đến năm 2025 đặt mục tiêu đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước và chiếm tỷ trọng 21% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Để có thể đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp cơ khí cần những ưu đãi mang tính thiết thực và có trọng tâm hơn để tạo thị trường cho doanh nghiệp phát triển, thay vì việc có ưu đãi cũng như không trong thời gian qua.
Đây là ý kiến được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/11.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương cho hay, năm 2014, giá trị xuất khẩu ngành cơ khí đạt hơn 15 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập khẩu lại hơn 26,5 tỷ USD. Cùng với đó là tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ đạt hơn 30%, thấp hơn mục tiêu của Chiến lược là 40-50%.
Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch Công ty cổ phần công nghiệp Quang Trung, cho biết doanh nghiệp đã đầu tư lớn từ nhiều năm để đón đầu chiến lược phát triển cơ khí. Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ về vốn cũng được đưa ra, nhưng khi đi vay vốn tại các ngân hàng thì đều không thể tiếp cận được, mất rất nhiều thời gian, cơ hội.
Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch Công ty cổ phần công nghiệp Quang Trung phát biểu tại hội thảo
Một điểm khác lưu ý khác trong chiến lược được ông Cường đề cập là phải định hướng rõ phát triển tập trung ở khâu nào của sản xuất. Các lĩnh vực cơ khí về nông nghiệp, giao thông, xây dựng, chế tạo máy… với hàng nghìn loại sản phẩm khác nhau. Nhưng các sản phẩm này đều phải có 7 bước: thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công, nhiệt luyệt, lắp ráp, và kiểm tra xuất xưởng.
Trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, hầu hết Việt Nam chỉ có thể đảm đương khâu lắp ráp, các khâu còn lại, đặc biệt là thiết kế và chế tạo khuôn mẫu lại chưa được quan tâm đầu tư.
“Nếu như vậy thì làm sao chúng ta phát triển cơ khí thành công, làm sao tham gia hội nhập quốc tế, công nghiệp toàn cầu. Vì nguồn vốn là có hạn, do vậy, chiến lược cần chỉ rõ sẽ tập trung phát triển khâu nào, phát triển ra sao, với dung lượng thế nào, để doanh nghiệp bắt tay vào đầu tư. Chỉ cần có định hướng và tạo cơ chế ưu đãi để tạo thị trường cho doanh nghiệp, thì ngành sẽ phát triển”, ông Cường nói.
Doanh nghiệp này cũng nêu ví dụ, nhà nước có thể tạo ra thị trường ở khâu thiết kế hay làm khuôn mẫu, doanh nghiệp vay tiền ngân hàng và làm ra sản phẩm. Nếu sản phẩm đó đi vào cuộc sống thì nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ. Như thế sẽ không còn tình trạng làm ăn chộp giật.
Do vậy, dung lượng thị trường, hỗ trợ thị trường cái gì, bảo vệ thị trường ra sao và bảo vệ đến lúc nào mới là điều các doanh nghiệp ưu tiên quan tâm. Sau đó mới là các chính sách ưu đãi khác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, Bộ sẽ tiếp nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, để tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, đưa ra một chiến lược phát triển ngành trong giai đoạn tới cụ thể hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không thể trông chờ quá vào các chính sách của nhà nước, mà bản thân doanh nghiệp cũng cần tự lực, liên kết với nhau tốt hơn nữa.
- Theo Ban Biên tập kinh tế, Thông tấn xã Việt Nam -