Dùng hệ thống máy bơm thông minh để chống ngập cho TPHCM

Sau nhiều năm nghiên cứu, Cty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Ninh Bình) vừa chế tạo thành công hệ thống máy bơm nước thông minh để chống ngập cho TPHCM. Ngoài ra, tập đoàn này đã đưa cả đội ngũ kỹ sư “tinh nhuệ” đi thực tế tại các nước có nguy cơ ngập úng cao điển hình như Hà Lan để nghiên cứu học tập.

Giải pháp đơn giản, tiết kiệm

Tại cuộc họp với UBND TPHCM hồi tháng 10, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Tập đoàn Quang Trung) đã trình bày báo cáo về nội dung thực hiện thí điểm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Theo ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng Giám đốc Công ty Quang Trung cho biết, giải pháp chống ngập do đơn vị thi công chỉ cần đưa hệ thống máy bơm thông minh đa năng vừa hút nước vừa vớt rác đặt tại một số vị trí mà không cần đào đường lắp cống mới như nhiều dự án chống ngập khác.

Theo đó, hệ thống chống ngập thông minh trên được thiết kế bằng máy bơm đa năng có thể hút nước với công suất 96.000 m3 mỗi giờ, hoạt động bằng dầu hoặc điện. Máy bơm hút nước từ chỗ thấp lên chỗ cao, gắn trực tiếp vào cống thoát nước có sẵn của thành phố và đẩy ra biển. Với máy bơm thông minh này có thể tiêu thoát lượng nước nhanh gấp 10- 20 lần so với khối lượng nước chảy tự nhiên.

Ông Cường khẳng định, chuyện chống ngập trong thời buổi biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã trở thành việc không của riêng ai. Là một doanh nghiệp nổi tiếng có nhiều sáng tạo trong ngành cơ khí, ông Cường đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tình hình úng ngập của TPHCM. Thực tế cho thấy, nhiều khu vực tại địa bàn thành phố ngày càng ngập úng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và gây thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế.

Trong khi đó, nhiều công trình chống ngập úng truyền thống đang tỏ ra “bất lực” trước những đợt triều cường, những cơn mưa lớn diễn ra bất thường. Vì vậy, ông Cường đã cùng đội ngũ kỹ sư của mình đưa ra sáng kiến chế tạo ra hệ thống máy bơm đa năng để xử lý khẩn cấp tình trạng ngập úng cho thành phố.

Nguyên tắc ông Cường đưa ra khi bắt tay vào dự án này, đó là doanh nghiệp sẽ tự ứng vốn đầu tư, thành công mới thanh toán tiền, còn không doanh nghiệp sẽ chịu chi phí.

Chống ngập thông minh

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết, từ 7 năm trước ông đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để nghiên cứu “căn bệnh” ngập úng đã trở thành “mãn tính” của TPHCM, đồng thời đi thăm quan, tìm hiểu các công trình chống ngập úng của các nước phát triển. Những năm gần đây, con người đã tìm ra những giải pháp và công nghệ rất hiệu quả để cảnh báo sớm, phòng và tránh ngập úng, theo xu hướng thông minh nhất là “sống thuận với thiên nhiên”.

Quá trình nghiên cứu thực tế ở quốc gia bạn, ông Cường phân tích, không riêng gì TPHCM mà trên thế giới có rất nhiều vùng đất có địa hình thấp hơn mực nước biển, song các nhà khoa học, nhà quy hoạch đô thị đã tìm ra các biện pháp chống ngập… cực kỳ thông minh. Theo đó, ông Cường đã đưa đội ngũ kỹ sư “tinh nhuệ” đi nghiên cứu và học tập tại các quốc gia có nguy cơ ngập lụt cao.

Ví dụ, tại TP Rotterdam của Hà Lan, nơi có 80% diện tích nằm dưới mực nước biển, chính quyền đã xây các “quảng trường nước” (water square) để sẵn sàng làm chỗ chứa mỗi khi mưa lớn hay có lũ lụt. Khi trời khô ráo, người dân có thể thoải mái đến quảng trường vui chơi, song khi trời mưa, quảng trường sẽ trở thành hồ điều tiết có thể chứa 1,7 triệu m3 nước. Hiện Rotterdam đã có 4 “quảng trường nước” như thế.

Hay thành phố New York (Mỹ) đã sử dụng công nghệ “nút chặn thông minh” để ngăn nước tràn vào các đường ngầm hoặc hệ thống tàu điện dưới lòng đất mỗi khi có bão, lũ xảy ra. Thiết bị đặc biệt này có hình cầu, kích thước 10m x 5m. Ở trạng thái bình thường, “nút chặn” này như quả bóng cao su bị xì hơi, có thể được đặt ở các miệng hầm, cổng ra vào metro mà không chiếm quá nhiều diện tích. Khi có sự cố, “quả bóng xì hơi” lập tức phình to (nhờ điều khiển từ xa), đạt dung tích 130.000 lít (bằng một bể bơi cỡ vừa) và khít chặt miệng hầm, ngăn không cho nước tràn vào, hệt như cách ta nhét nút cao su vào miệng chai.
Theo ông Cường cho biết, ngoài các biện pháp “cứng” như xây thêm công trình ngăn và chống lũ, các kiến trúc sư, nhà khoa học còn nghĩ ra nhiều cách như chúng ta vẫn nói là “sống chung với lũ” song có tác dụng chống ngập cực kỳ hiệu quả. Ví dụ như tại Mỹ, nhiều địa phương đã xây dựng “vườn mưa”, theo đó cây xanh sẽ được trồng nhiều ở công viên, bãi đỗ xe, khu đô thị, dọc các con phố …, nhằm thu hút nước mưa để tránh làm hệ thống cống thoát nước quá tải mỗi khi có mưa bão.

Với việc hình thành ngày càng nhiều khu đô thị, công trình nhà xưởng, diện tích đất mặt ở TPHCM bị thu hẹp khiến nước mưa, triều cường chỉ còn cách chảy tràn trên mặt bê tông, đường nhựa, tình trạng ngập lụt đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân thành phố. Song song với các công trình xây dựng cống ngăn triều cường, cống thoát nước mang tính tầm nhìn xa, ông Cường tin rằng với giải pháp dùng bơm ly tâm đặt tại các cửa cống, sông hồ thì mưa lớn hay triều cường sẽ không còn là nỗi ám ảnh của người dân.

Với hàng loạt thành tựu và nhiều cống hiến cho đất nước, ông Nguyễn Tăng Cường đã đạt được các danh hiệu: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Giải thưởng Sao vàng Ðất Việt; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ; Quả Cầu vàng; Giải thưởng Bạch Thái Bưởi; Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ; Huân chương độc lập cho tập đoàn; Anh hùng lao động cho tập đoàn; Giải Cicotech cùng hàng trăm các bằng khen của các bộ ngành, Trung ương và địa phương …

 

- Theo Báo Tiền phong - 

Scroll