Được giới khoa học đánh giá cao về những sáng kiến, ý tưởng táo bạo của mình, nhưng anh Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung luôn khiêm tốn nhìn nhận mình học hàm, học vị thấp, chỉ có niềm đam mê, tinh thần không ngại khó, ngại khổ hòa mình vào thực tế sản xuất để đúc kết kinh nghiệm và đi đến thành công. Khả năng sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị nâng hạ tại Việt Nam đã đưa anh đứng ngang hàng các nhà khoa học tên tuổi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu năm 2012 - đây là giải thưởng cao quý, danh giá nhất của Việt Nam, được xét và công bố 5 năm một lần.
Lập nghiệp ban đầu bằng một cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy sau khi đã làm tròn nghĩa vụ quân sự với Nhà nước, vốn có chút năng khiếu, anh Nguyễn Tăng Cường bắt đầu mày mò sửa chữa, chế tạo xi lanh, đầu bò từ những chiếc xe cũ bán với giá rẻ, sản phẩm nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Năm 1989, Nguyễn Tăng Cường quyết định thành lập một tổ hợp sản xuất, rồi dần dần có chút vốn liếng, Nguyễn Tăng Cường nâng cấp lên thành xưởng cơ khí và cho đến năm 1991, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung ra đời. Những năm đó, toàn bộ thiết bị tự nâng (bao gồm cầu trục, cổng trục, cẩu chân đế, cẩu bánh xích, cẩu bánh lốp...) đều phải nhập từ nước ngoài với giá thành cao, trong khi ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước luôn thiếu việc làm, một lượng lớn những người có trình độ tay nghề phải tìm nghề "tay trái"để mưu sinh. Điều này là nỗi niềm trăn trở biết bao đêm của Nguyễn Tăng Cường, để khi đã mang sẵn dòng máu đam mê về nghề cơ khí trong người, anh Cường đã vượt lên mọi khó khăn, biến ước mơ thành sự thật và đã thành công.
Nhớ lại những ngày đầu tham gia chế tạo cần cẩu, Anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường cho biết: Thời kỳ đầu, Xí nghiệp sản xuất ra cần cẩu bán không ai mua. Để mọi người tin, mua hàng của mình, anh quyết định mạo hiểm bán chịu cần cẩu cho những ai có nhu cầu. Nhờ chất lượng tốt, giá rẻ, tốc độ làm nhanh, bảo hành lâu, sản phẩm của Xí nghiệp đã chiếm được lòng tin của thị trường. Từ chỗ chuyên cung cấp phụ tùng như bi đạn, tấm lót và các sản phẩm cơ khí luyện kim cho các nhà máy xi măng, đến nay, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã chế tạo được khoảng 50 chủng loại cẩu, bao gồm: cẩu trục, cổng trục, cẩu chân đế, cẩu tháp... Việc chế tạo thành công các thiết bị nâng hạ không chỉ mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp mà còn mở ra một trang mới cho ngành cơ khí Việt Nam, tiết kiệm được nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước do không còn phải nhập khẩu. Đặc biệt, thành công của việc chế tạo vành mâm xoay cho các cần cẩu chân đế khiến giới khoa học ngỡ ngàng. Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam muốn làm phải đầu tư kinh phí hàng nghìn tỷ đồng và chẳng ai dám làm nhưng anh đã nhận làm, và chỉ tốn vài chục tỷ đồng. Mấy năm gần đây, Xí nghiệp cơ khí Quang trung đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn với gần 1.500 cán bộ, công nhân; trong đó 26% là trình độ đại học và kỹ sư, 36% là công nhân bậc cao, còn lại là thợ từ bậc 3/7 trở lên và lao động phổ thông. Hàng năm, Xí nghiệp cung cấp hàng nghìn tấn thiết bị và hàng trăm chiếc cẩu các loại cho các ngành công nghiệp trong cả nước như Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Xi măng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam…
Đến thời điểm này, Anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường tự hào trong lĩnh vực sản xuất cần cẩu ở Việt Nam, anh không có "đối thủ". 9 trong số 12 chủng loại cần cẩu do Xí nghiệp anh sản xuất đều làm chủ về công nghệ. Trong đó loại lớn nhất 1.200 tấn. Sắp tới, anh còn đảm nhận làm cẩu nổi 3.000 tấn cho ngành dầu khí. Những sản phẩm do xí nghiệp sản xuất giá rẻ hơn so với châu Âu từ 40-45% và so với Trung Quốc rẻ hơn 10%. Niềm vui cũng là niềm tự hào cho Giám đốc Nguyễn Tăng Cường khi đầu năm 2012, anh vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình "ứng dụng 5 giải pháp KHCN chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam". Đây là giải thưởng cao quý nhất về KHCN dành cho những cống hiến của các nhà khoa học có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Là người con của quê hương Ninh Bình, khi tỉnh Ninh Bình có Quyết định thành lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh từ ý tưởng của các sáng lập viên: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Công ty Cổ phần Him Lam và Tập đoàn kinh tế Xuân Thành với mục đích tài trợ, hỗ trợ những học sinh, sinh viên là con em tỉnh Ninh Bình và những người đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Ninh Bình thuộc diện học giỏi, học xuất sắc, có tài năng để động viên các em phát huy đúng mức tài năng của mình trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện bản thân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục, công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, Anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường rất nhiệt tình ủng hộ và trân trọng điều đó. Theo anh, Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh được thành lập và đi vào hoạt động sẽ là nguồn động viên kịp thời, có ý nghĩa nhân văn, góp phần động viên, giúp đỡ tích cực đối với những nhân tài trên mảnh đất Cố đô lịch sử.
Từ suy nghĩ đó, anh đã ủng hộ toàn bộ số tiền thưởng 200 triệu đồng từ Giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải thưởng mà anh mất nhiều năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm mới thành công. Tặng Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh số tiền thưởng này, anh mong muốn được chia sẻ niềm vui, sự may mắn đến các em học sinh, sinh viên - những tài năng trên mảnh đất Ninh Bình, dù số tiền thưởng không nhiều nhưng đối với anh, "trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng" sẽ có ý nghĩa lớn hơn, tạo thêm niềm tin, động lực và tiếp thêm sức mạnh để các em không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện, nghiên cứu để trưởng thành, thành công, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tổng Giám đốc Nguyễn Tăng Cường trực tiếp xuống nhà máy động viên anh em lao động
Có mặt tại Lễ ra mắt Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh tỉnh Ninh Bình đầu tháng 3 vừa qua, ủng hộ Quỹ số tiền từ chính giải thưởng của mình, Anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường đã khẳng định, chỉ có phấn đấu học tập và làm việc không ngừng, có niềm say mê nghiên cứu khoa học… thì mới thành công, và để thành công, những nhân tài (nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn) rất cần có sự động viên, hỗ trợ kịp thời của xã hội để phát huy tối đa những tài năng sẵn có.
Thành công nhờ đam mê khoa học, lấy khoa học và công nghệ để vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội, Giám đốc Nguyễn Tăng Cường không quên trách nhiệm với xã hội. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện cũng luôn được Giám đốc quan tâm, tham gia đóng góp ủng hộ như quỹ vì người nghèo, quỹ nạn nhân chất độc gia cam, quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt… với số tiền hơn 3 tỷ đồng… Vượt lên bao khó khăn trở thành doanh nhân "Top 1", với biệt danh "Vua thép" và "Vua cần cẩu" của Việt Nam, Anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường vẫn chưa hài lòng với những gì mình đạt được, bằng chứng là anh đã và đang triển khai 2 Dự án khoa học về Cảng nổi nước sâu đa năng và Dự án vận dụng sóng biển tạo ra nguồn năng lượng phát điện.
Tổng Giám đốc mời bộ trưởng bộ khoa học cùng anh em thăm nhà máy tại Ninh Bình
Các Dự án này được anh tâm đắc và rất lạc quan tin tưởng sẽ thành công: "Tôi tin, trong thời gian không xa, tôi sẽ bán điện từ năng lượng sóng biển bằng giá thành bán điện của các nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện". Thành công từ đam mê khoa học, Anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng - anh cũng là minh chứng rõ ràng cho tuổi trẻ tỉnh Ninh Bình nói riêng và thanh niên cả nước nói chung một con đường lập thân, lập nghiệp: "Có công mài sắt, có ngày nên kim!".
Anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, sinh năm 1960 tại phường Quang Trung, thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình). Năm 2000, anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; năm 2007 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2009 được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Ninh Bình đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới lần thứ 2; năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; năm 2012 được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ.
Ngoài ra, anh còn đoạt các giải thưởng Sao vàng đất Việt, Quả cầu vàng, Sáng tạo khoa học công nghệ; giải thưởng Bạch Thái Bưởi, giải VIFOTEC và hàng trăm Bằng khen của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương…
- Theo Hạnh Chi - Báo Ninh Bình -