“Hiện tượng lạ” của ngành cơ khí

(Diễn đàn doanh nghiệp) - Chế tạo chiếc cần cẩu 1.200 tấn phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Sơn La, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Nguyễn Tăng Cường được coi là “hiện tượng lạ” trong ngành cơ khí VN.

Chế tạo chiếc cần cẩu 1.200 tấn phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Sơn La, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Nguyễn Tăng Cường được coi là “hiện tượng lạ” trong ngành cơ khí VN.

Chỉ trong một thời gian ngắn, với hơn 300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có khá nhiều sáng kiến cấp Nhà nước đã giúp nâng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo lên mức hơn 90%, giá thành chỉ bằng 40-50% so với sản phẩm của Tây Âu và bằng 60-70% so với sản phẩm của Trung Quốc. Điều gì khiến một người “ngoại đạo” lại có thể thành công trong một lĩnh vực được coi là rất khó ở VN?

 

“Hiện tượng lạ”

“Thời kỳ đầu, Xí nghiệp sản xuất ra cần cẩu bán không ai mua. Để mọi người tin, mua hàng của mình, tôi  quyết định mạo hiểm bán chịu cần cẩu cho những ai có nhu cầu. Nhờ chất lượng tốt, giá rẻ, chế độ hậu mãi tốt, sản phẩm của Xí nghiệp đã chiếm được lòng tin của thị trường. Từ chỗ chuyên cung cấp phụ tùng như bi đạn, tấm lót và các sản phẩm cơ khí luyện kim cho các nhà máy xi măng, đến nay, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã chế tạo được khoảng 50 chủng loại cẩu, bao gồm: cẩu trục, cổng trục, cẩu chân đế, cẩu tháp... Việc chế tạo thành công các thiết bị nâng hạ không chỉ mở ra hướng đi mới cho DN mà còn mở ra một trang mới cho ngành cơ khí VN, tiết kiệm được nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước do không còn phải nhập khẩu. Đặc biệt, thành công của việc chế tạo vành mâm xoay cho các cần cẩu chân đế khiến giới khoa học ngỡ ngàng” - ông Cường chia sẻ.

Là người khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong lĩnh vực cơ khí, ông Cường luôn đặt cho mình những mục tiêu mới để vượt qua. Trong rất nhiều câu chuyện nói về nỗ lực chinh phục khoa học- kỹ thuật, không thể không kể đến câu chuyện Nguyễn Tăng Cường chế tạo chiếc cần cẩu 1.200 tấn phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Sơn La. Đây không chỉ là một thách thức về khoa học, kỹ thuật mà còn là một thách thức rất lớn về tâm lý vì chưa có ai ở VN từng nghĩ đến chuyện chế tạo cần cẩu có tải trọng lớn như vậy. Mức độ an toàn, chính xác cho thiết bị này phải là tuyệt đối. Một chiếc cần cẩu thả rotor nặng cả nghìn tấn vào lỗ tổ máy, chỉ có “chừa” khoảng cách 8 mm, nếu sai sót, cần cẩu thả chệch đi, va vào một bên đi là coi như hỏng cả công trình, là tai họa. Nhưng với những nỗ lực, niềm đam mê, cùng sự hỗ trợ đắc lực của các cộng sự, thành công của ông đã xóa tan mọi nghi ngại trước đó đồng thời khẳng định nếu có khát vọng, có ý chí thì doanh nghiệp doanh nhân VN hoàn toàn có thể đạt được thành công. Đây chính là động lực quan trọng để ông “vua” cần cẩu  tiếp tục nghiên cứu, sản xuất  những chiếc cần cẩu 5.000-6.000 tấn “made in Vietnam” có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. 

 
 
Cần cẩu siêu trường, siêu trọng 1200 tấn của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung Ninh Bình thiết kế, chế tạo

 

Cũng nhờ những sáng kiến này, EVN đã hợp tác với Xí nghiệp cơ khí Quang Trung trong việc cung cấp cần cẩu cho hàng loạt các dự án thủy điện khác như Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Sông Tranh, Huội Quảng, Bản Chát, Hủa Na. Tới đây, thủy điện Lai Châu cũng được sự chấp thuận của Thủ tướng tiếp tục cho xí nghiệp cơ khí Quang Trung làm cần cẩu hạng nặng.

Không quá khi nói rằng Nguyễn Tăng Cường như một hiện tượng lạ trong ngành cơ khí chế tạo VN bởi một người không được đào tạo chuyên ngành, không học hàm học vị, ít vốn lại có thể đạt được những thành công ngoài mong đợi. Có rất nhiều cách lý giải cho thành công của  cá nhân ông Cường nói riêng và xí nghiệp cơ khí Quang Trung nói chung nhưng có lẽ câu nói: "Tôi muốn chế tạo được nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng cao, giúp đất nước giảm được ngoại tệ nhập khẩu. Tôi thực sự mong muốn góp phần vào sự phát triển ngành cơ khí chế tạo, bởi thiếu nó thì ngành công nghiệp của đất nước không thể phát triển" thuyết phục hơn cả. Cách lý giải này cho thấy tầm nhìn sâu rộng của người trong “nghề” với những trải nghiệm thực tế.

Trăn trở

Tự hào về những thành quả của xí nghiệp cơ khí Quang Trung giai đoạn vừa qua cũng như rất tin tưởng vào định hướng chiến lược sắp tới nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tăng Cường luôn đau đáu một câu hỏi: Vì sao cơ khí chế tạo VN cứ mãi ỳ ạch dù cho chính sách về cơ khí trọng điểm đã ban hành?. Bởi hơn ai hết ông hiểu rằng những thành tựu cơ khí mà Quang Trung đạt được nói riêng và ngành cơ khí nói chung mới chỉ là bước đầu và khá khiêm tốn so với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới trong những năm gần đây. Ngành cơ khí đang cần nhiều nguồn lực, nhiều đột phá để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tương lai.

Ông cho rằng, Nhà nước còn thiếu hoạch định chiến lược dài hạn cho ngành này, thiếu những sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp bằng cơ chế chính sách cụ thể và vốn ưu đãi. Đồng thời, ông cũng chỉ ra thực trạng: Tình trạng chung của hầu hết các DN cơ khí trong nước  là thiếu vốn; công nghệ, thiết bị chế tạo còn lạc hâụ, sản xuất còn manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao; vốn ít, việc tiếp cận vốn của ngân hàng với lãi suất thấp hết sức khó khăn. Việc đầu tư của ngành cơ khí những năm qua còn phân tán và chưa đồng bộ, chưa có một cơ sở chế tạo nào đủ mạnh làm đòn bẩy thúc đẩy toàn ngành. Thiếu nhân lực chất lượng cao cho ngành kể cả cán bộ hoạch định chính sách, quản lý, tư vấn, thiết kế, công nhân kỹ thuật có tay nghề...

 

 

Theo ông Cường, ngành cơ khí chỉ thực sự phát triển khi chúng ta có hoạch định và chính sách tốt. Mục tiêu đến năm 2020 VN sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hôị, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng. Một nước công nghiệp đương nhiên không thể không phát triển ngành cơ khí, chế tạo máy, công nghiệp nặng. Tất cả đã được nhận diện nhưng khi DN không vững niềm tin, không  có hoài bão, không tâm huyết, không có những chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển thì họ sẽ chọn những việc dễ để làm. Chẳng hạn cách đây vài năm, họ sẽ lựa chọn việc đi “buôn đất” cho nhẹ đầu, thay vì làm cơ khí...

 “Chúng ta vẫn nói về cơ chế thị trường có sự quản lý và định hướng của nhà nước vậy thì những ngành nghề nóng hoặc đã bão hòa thì phải có sự điều tiết, can thiệp của nhà nước bằng cơ chế chính sách, tránh lãng phí nguồn lực. Những ngành nào thực sự có nhu cầu thì phải có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển. Đã có quá nhiều bài học cho vấn đề này. Ví dụ như trong giai đoạn  vừa qua, sản xuất xi măng  dư thừa thì phải có những chính sách để hạn chế các DN đầu tư. Những ngành nghề cần thiết đối với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước như cơ khí chế tạo, thì rất cần đầu tư nguồn lực, đầu tư chất xám, trí tuệ... Trong đó, không thể không nhắc đến cơ chế chính sách về vốn, mặt bằng, đào tạo... Trong điều kiện như hiện nay, với lãi suất ngân hàng đang áp dụng thì các DN vẫn còn rất khó khăn và các DN cơ khí chế tạo còn khó khăn gấp bội do đặc thù  đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, lợi nhuận thấp hơn các ngành khác, thời gian thu hồi vốn cũng lâu hơn rất nhiều... Đây là một bài toán rất khó đòi hỏi không chỉ trí tuệ của các doanh nhân, nhà khoa học mà của các nhà quản lý, hoạch định chính sách” - ông Cường chia sẻ.

-Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp-

Scroll