“Tôi xin lấy danh hiệu Anh hùng Lao động ra đặt cược” - Ông Nguyễn Tăng Cường khẳng định đanh thép trước nghi vấn: “Đây là loại cần cẩu tải nặng hàng nghìn tấn, nếu không làm được, chẳng may xảy ra sự cố vỡ đập, dưới hạ lưu 28 triệu dân sinh sống, ai là người chịu trách nhiệm?”
Ông Nguyễn Tăng Cường là ai?
Nguyễn Tăng Cường (sinh năm 1960) tại mảnh đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình trong một gia đình có nghề truyền thống cơ khí. Ngay khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông đã bắt tay vào hành trình khởi nghiệp năm 1981 với niềm yêu thích và ước muốn cháy bỏng “nối nghiệp cha ông”.
Qua một hành trình dài đầy gian nan chứa đựng mồ hôi, nước mắt xen lẫn niềm hạnh phúc, sung sướng, đến nay, ông Nguyễn Tăng Cường đã trở thành tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung với 2 nhà máy xí nghiệp đặt tại tỉnh Quảng Ninh và Ninh Bình chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm, máy móc, thiết bị liên quan đến lĩnh vực cơ khí.
Ông Nguyễn Tăng Cường là ai?
Dưới sự dẫn dắt của TGĐ Nguyễn Tăng Cường, Tập đoàn Quang Trung đã không ngừng lớn mạnh và trở thành nhà cung cấp cần cẩu, cầu trục, cổng trục,... hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Nhắc đến Quang Trung là phải nhắc tới ông Nguyễn Tăng Cường với thiết bị nâng hạ tải trọng lớn số 1 Việt Nam.
Nguyễn Tăng Cường với “ván bài” Thủy điện Sơn La
Nhớ lại thời khắc huy hoàng đảo ngược nước cờ tại thủy điện Sơn La, hình ảnh ông Nguyễn Tăng Cường làm tôi gợi nhớ tới hình ảnh người lái đò sông Đà đi vào trong thơ văn đầy cuốn hút. Một người lái đò trí dũng song toàn, bình tĩnh lao thẳng vào khúc sông nguy hiểm, nhiều thác ghềnh sóng.
Dự án công trình tại thủy điện Sơn La của Tập đoàn Quang Trung đã đi vào giai thoại lịch sử, trở thành một khúc ca sáng ngời trong hành trình xây dựng sự nghiệp ngành cơ khí của ông Nguyễn Tăng Cường. Công trình đã làm rạng danh tên tuổi của ông, là niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và những người con Ninh Bình nói riêng.
Một số hình ảnh về dự án công trình thủy điện Sơn La
Dám nghĩ dám làm
Còn nhớ thời điểm những năm 2008, 2009, ông Nguyễn Tăng Cường được biết đến là Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã mạo hiểm đánh cược toàn bộ tài sản, tính mạng và thậm chí là danh dự của bản thân để “được” làm cần cẩu 1200 tấn cho thủy điện Sơn La. Với tinh thần đầy quyết tâm, ông đã chấp nhận tham gia ván bài đầy rủi ro này.
Tuy nhiên câu chuyện “được” làm cẩu 1200 tấn không chỉ dừng lại ở ý chí quyết tâm dám nghĩ dám làm của ông Cường. Sau khi bài toán được đặt ra, chính phủ, các ban bộ ngành (bộ Kế hoạch đầu tư, bộ Khoa học công nghệ, bộ Công thương, bộ Tài chính,...) đã tỏ ra sợ hãi về trách nhiệm bởi Việt Nam còn chưa bao giờ làm được cẩu 5 tấn huống chi là cẩu 1200 tấn. Ở thời điểm ấy, người ta tỏ ra nghi ngờ: “Nếu cột nước cao 282m mà vỡ ra thì 28 triệu dân trôi ra ngoài biển Đông hết!”
Lời phát biểu trên đã làm tăng thêm sự thất vọng của giới cơ khí vốn ban đầu hào hứng với công trình thế kỷ này. Tuy nhiên ngay sau đó ông Cường đã lập tức phát biểu một câu làm xoay chuyển tình thế: “Bây giờ Đảng, Nhà nước hãy hô hào phát động các doanh nghiệp tham gia tích cực đưa năng lực, ý tưởng để phát triển đất nước, phát triển xã hội, mà nhất là trong ngành cơ khí này.”
Ông tâm sự thêm: “Ngành cơ khí là một trong những ngành nền tảng của đất nước, là lĩnh vực làm cho lĩnh vực khác phát triển bền vững. Nếu như thủy điện Sơn La đưa ra đấu thầu thiết bị cần cẩu hạng nặng, chắc chắn Trung Quốc sẽ trúng thầu vì giá rẻ. Nhưng công nghệ, chất lượng là một dấu hỏi.”
Cuối cùng ông chốt lại: “Lúc nào mình cũng nghĩ ở dưới đó có 28 triệu dân thì trong đó có bố tôi, mẹ tôi, tôi và cả anh em ruột thịt của tôi, đồng bào đồng chí của tôi mà tôi không có trách nhiệm nữa thì ai có trách nhiệm bằng”. Với những lập luận sắc bén cùng sự quyết tâm tham gia dự án bài bản, chi tiết, ông Cường đã nhận được lời khen ngợi của Phái viên Thủ tướng - Thái Phụng Nê và rồi dự án cũng được chấp thuận tiến hành.
Thông minh, nhạy bén
Khi hoàn thiện xong cần cẩu 1200 tấn, ông Nguyễn Tăng Cường đã mời các ban của tập đoàn EVN cùng phái viên Thái Phụng Nê và một loạt các tư vấn viên đến từ nhiều quốc gia như Nhật, Pháp, Ý. Khi sản phẩm chạy thử đã thu hút được nhiều sự quan tâm của giới báo chí. Đáng chú ý, một tư vấn viên người Nhật đã phát biểu trong buổi phỏng vấn rằng: “Chúng tôi đến từ Nhật, một đất nước có nền công nghiệp tiến tiến, tại Nhật cũng không có nhiều đơn vị sản xuất cẩu cỡ lớn như thế này. Trên thế giới cũng không có nhiều, nhưng ở Việt Nam, một đất nước đi sau mà có doanh nghiệp làm như thế này thì chúng tôi rất ngưỡng mộ”.
Trước sự ngạc nhiên của đông đảo báo giới quan tâm, phái viên Thái Phụng Nê khẳng định chắc nịch muốn “kiểm tra” ông Tăng Cường về cần cẩu cỡ lớn này với ba bài “test”. Trước hết ông Nê đưa ra bài toán cẩu trọng tải lên đến 1400 tấn buộc phải đứng im sau khi phanh. Nhận được đề bài, ông Nguyễn Tăng Cường đã cho cẩu mã 1400 tấn đồng thời cho xe chạy, thắng phanh trơn tru trong tiếng hò reo của mọi người.
Ông Nguyễn Tăng Cường và Phái viên Thái Phụng Nê giám sát tiến độ dự án thủy điện Sơn La
Chưa dừng lại ở đó, ông Cường tiếp tục nhận được thử thách khi phải hạ mã 1400 tấn đè vào viên gạch với điều kiện không làm gạch vỡ. Một lần nữa trí thông minh và sự nhạy bén đã phát huy tối đa khi ông lựa chọn đặt viên gạch già trên nền đất mềm. Quả thực câu đố này không thể làm khó ông.
Với lần cuối cùng thực hiện bài “test”, phái viên Thái Phụng Nê đã cho phép ông thực hiện hạ cẩu xuống viên gạch với tấm bìa lót bên trên. Ông Cường đã nhanh trí lựa tấm bìa thật dày và rồi tấm bìa không thể rút ra, viên gạch không bị vỡ.
Như vậy mọi sự nghi ngờ về loại cẩu 1200 tấn do chính người Việt thực hiện đã được xóa tan bởi những hành động vô cùng xác thực. Sự có mặt của chiếc cần cẩu tải nặng này là minh chứng cho thấy đất nước Việt Nam ta có đủ tài lực, nhân lực tiến lên trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kiên trì, quyết tâm
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Niềm hân hoan chế tạo thành công cẩu 1200 tấn kéo dài chưa lâu, ông Cường cùng các cơ quan ban ngành tiếp tục đứng trước câu hỏi lớn: Làm thế nào để vận chuyển máy móc, thiết bị lên thủy điện Sơn La?
Ban đầu quyết định bơm Nitơ vào dầm thả trực tiếp xuống sông của ông Cường bị từ chối bởi chủ đầu tư cho rằng giá trị của cần cẩu quá lớn, quan trọng hơn, họ phải đối mặt với Quốc Hội, với hàng chục triệu người dân nếu như làm chìm sản phẩm xuống nước. Sau cùng, chủ đầu tư công trình đã quyết định dùng sà lan để vận chuyển hàng hóa.
Khi cẩu di chuyển qua cầu Thăng Long được khoảng 7km, lô hàng đứng trước nguy cơ mực nước sông cực thấp, hơn nữa chỉ cần chậm quá mười ngày, phải một năm nữa dự án mới có nước vào sát đập Sơn La. Trước nguy cơ ấy, các cuộc họp liên tiếp diễn ra, không khí căng thẳng bao trùm và một lần nữa ý kiến của TGĐ Quang Trung - ông Nguyễn Tăng Cường đã mở ra luồng ánh sáng mới giải đáp mọi khúc mắc.
Cuộc họp khẩn cấp tìm cách vận chuyển máy móc lên thủy điện Sơn La
Chạy đua với thời gian, ông tìm mọi cách và bằng bất cứ giá nào để thuê được hai đầu kéo. Cùng với dây cáp, lần lượt từng sản phẩm được kéo xuống sông và may mắn thay không một sản phẩm nào bị móp méo hay hỏng hóc nhờ lớp cát phía dưới mặt nước. Dần dần từng sản phẩm được kéo lên đập trong niềm hạnh phúc vỡ òa của tất cả mọi người.
Tới đây, ông Cường bồi hồi: “Ngày đó trời rét chỉ có vài độ, thế nhưng mọi người phấn khởi làm hết cả đêm luôn. Họ thậm chí còn uống cả chai xì dầu rồi nhảy xuống lặn, móc cát.” Thế rồi trời không phụ lòng người, từng sản phẩm được gắn với nhau thành bè trên sông và thuận tiện di chuyển lên đập Sơn La nhờ việc bơm Nitơ vào dầm và sử dụng tời kéo.
Cuối cùng, cẩu 1200 tấn cũng được kéo lên thủy điện Sơn La theo đúng tiến độ. Ông Nguyễn Tăng Cường đã làm việc với tất cả niềm say mê, ông tâm sự rằng lúc ấy ông tâm niệm thực hiện công việc này không phải trách nhiệm của riêng ông nữa mà là hiệu quả cho công trình, cho đất nước.
Cuộc chiến toàn thắng
Dự án công trình thủy điện Sơn La dưới sự giám sát của phái viên Thái Phụng Nê cùng Tập đoàn Điện lực EVN đã hoàn tất với cần cẩu 1200 tấn, hai bộ cầu trục gian máy, một bộ cầu trục trung gian và hai loại cầu trục chân dê tải trọng lớn. Cho đến nay dự án này vẫn là niềm tự hào của tập đoàn Công nghiệp Quang Trung nói chung và ông Nguyễn Tăng Cường nói riêng.
Có thể nói dự án thủy điện Sơn La đã mở sang trang mới cho niềm hy vọng về một đất nước Việt Nam công nghiệp hóa. Bài toán Sơn La đã làm xoa dịu nỗi băn khoăn liệu rằng ngành cơ khí Việt Nam có thể phát triển bài bản, chuyên nghiệp như sự mong đợi của Chính phủ hay không.
Đã hơn 15 năm trôi qua, thủy điện Sơn La vẫn còn đó và rất nhiều những công trình thủy điện khác được hoàn thiện nhằm góp phần tạo lên hình ảnh Việt Nam đầy vững mạnh. Công trình thế kỷ này mãi là niềm tự hào của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung và gợi lại nhiều cung bậc cảm xúc ánh lên trong đôi mắt của anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường mỗi khi nhắc về.