Cầu treo dân sinh Mý Đông-Cành: Dự án nhỏ ý nghĩa lớn

Tập đoàn công nghiệp Quang Trung thi công và đưa vào sử dụng cầu treo dân sinh Mý Đông-Cành thuộc xã Mỵ Hòa (Kim Bôi, Hòa Bình)- Dự án 186 cầu treo dân sinh

Cầu treo Mý Đông - Cành đã được đưa vào sử dụng

Dù chỉ cách trung tâm xã chừng 7 km, nhưng xóm Cành lại trở nên vô cùng xa xôi và lạc hậu. Sau lưng là núi cao, trước mặt là sông Bôi hung dữ nên việc đi lại phụ thuộc hoàn toàn vào... ông trời (!) Lối đi duy nhất của họ để giao lưu với cộng đồng bên ngoài là một cây cầu phao mỏng manh, nên hễ mưa, nước sông dâng cao chừng 1,5 m trở lên là "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Vào những đợt mưa nhiều, nước sâu và chậm rút, người dân xóm Cành, xóm Vẹt Vòi (xã Luông Dăm, đi nhờ cầu xóm Cành) chỉ còn biết ngồi bờ bên này ngóng sang xóm Bêu, xóm Ðông. Còn người dân xóm Bêu, xóm Ðông ở bên kia cũng chỉ biết đợi chờ, mong nước rút nhanh để vào xóm Cành. Bị chia cắt bởi sông Bôi nên bao năm qua người dân xóm Cành phải sống gần như tách biệt hẳn với cộng đồng xã Mỵ Hòa (Kim Bôi, Hòa Bình).  Việc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung thi công và đưa vào sử dụng cầu treo Mý Đông - Cành có vai trò đặc biệt quan trọng với bà con nơi đây.

Người dân hạnh phúc đi trên cây cầu treo hiện đại

Người xóm Cành cũng như các xóm bên cạnh chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa, ngô. Việc dồn điền đổi thửa không thể thực hiện được nên người xóm Cành vẫn phải vượt sông sang xóm Bêu, xóm Ðông trồng trọt. Ngược lại, dân xóm Bêu, xóm Ðông cũng phải vượt sông sang cánh đồng xóm Cành cấy lúa... "Ở đây, nhà nhiều lúa nhất cũng phải thiếu ăn đôi ba tháng... Xóm Cành có 120 hộ, với 753 nhân khẩu thì tới hơn 50% hộ nghèo anh ạ. Thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình đấy. Khổ thế!", ông Mân nói gần như khóc.

Những người buôn nhu yếu phẩm vào xóm đã đẩy giá hàng cao. Có thứ cao gấp đôi, gấp ba bên ngoài. Vào những tháng cạn nước, người ta cũng tranh thủ vận chuyển vật liệu xây dựng tích vào đó để bán dần, giá cũng cao ngất ngưởng. Người dân thiếu tiền, không dám sắm sửa nên cuộc sống càng trở nên kham khổ.

Con đường lầy lội dẫn vào xóm Cành. 

Không chỉ chịu muôn nỗi nhọc nhằn vì giao thông cách trở, sự thiếu an toàn của cây cầu phao tròng trành hay chiếc thuyền nhỏ đã là nguyên nhân của không ít tai nạn thương tâm. Chứng kiến những nỗi đau ập xuống những người vô tội, ông Bạch Bá Thành, Bí thư chi bộ xóm Cành xót xa: "Thi thoảng lại có người chết vì đi cầu ngã sông. Có năm hai chị em Bùi Thị Hi, Bùi Văn Nánh cùng chết một ngày. Mới đây nhất, ngày 5-9 khai giảng, do nước lên cao, chúng tôi phải tháo một đầu cầu để khỏi bị cuốn mất và dùng thuyền để chở và lúc chở học sinh, chẳng may 10 em đã bị rơi xuống sông. May mắn là hôm đó người dân túc trực đông, xuống cứu kịp thời nên không có thiệt hại về người". Anh Bạch Văn Tuấn, người thường xuyên túc trực bên cầu kể lại: "Cách đây hai năm, tôi đã vớt hai nạn nhân là anh Ðinh Văn Chiến và Bạch Công Yêm bị nước lũ cuốn cả xe và người. Nhưng chỉ kịp cứu sống một người...".

Ai trong vùng cũng biết, thủ phạm của những nỗi đau, sự lạc hậu ấy là do... giao thông! Vậy nên, việc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung thi công và đưa vào sử dụng cầu treo dân sinh Mý Đông-Cành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đem lại niềm vui cho hàng ngàn hộ dân nơi đây. Có cầu mới, mùa ấm no chắc chắn sẽ trở về với xóm, với làng!

Cầu có kích thước 2x120m, được xây dựng kiên cố với thiết kế hiện đại, có tuổi thọ tối thiểu 25 năm - đảm bảo cho phương tiện xe máy, xe thô sơ và người đi bộ di chuyển dễ dàng.

 

Scroll