Ông Nguyễn Tăng Cường là ai?
Ông Nguyễn Tăng Cường hiện là TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung. Tên tuổi của ông được biết đến rộng rãi khi liên tục đưa ra những ý tưởng táo bạo được cho là vượt quá tầm tưởng tượng của giới khoa học - cơ khí vào thời điểm những năm 2000.
Ông Nguyễn Tăng Cường là ai?
Ông là nhà khoa học hàng đầu của ngành cơ khí Việt Nam. Ngoài ra ông còn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và nằm trong nhóm 100 doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2006”.
Ông Nguyễn Tăng Cường và những lần phong “Vua”
Để đạt được những thành tựu như hiện tại, ông Cường đã gặp phải không ít những khó khăn, trở ngại. Những tưởng chúng đã bao lần đánh bại, làm ông gục ngã trên chặng đường, nhưng ông vẫn vận dụng hết khả năng, sự thông minh nhanh nhạy và cả sức khỏe của tuổi trẻ góp phần giúp đất nước bước sang trang mới.
Vua xe máy
Trước thời điểm thành lập xí nghiệp cơ khí, ông Nguyễn Tăng Cường đã có khoảng thời gian gây ấn tượng khi được biết đến với biệt danh “Vua xe máy”. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về lập nghiệp với cửa hàng sửa xe đạp. Được biết ông xuất thân từ gia đình có 3 đời làm cơ khí, ông nội sửa chữa súng đạn cho bộ đội Việt Minh còn bố mẹ ông thì làm công nhân.
Nhớ lại những giây phút thời còn trẻ, ông hào hứng kể: “Có hôm đang đi ngoài đường, tôi gặp đôi nam nữ đi xe Honda từ Hải Phòng về Thanh Hóa, tới Ninh Bình thì bị hỏng xe. Chàng trai thì dắt xe chở nhiều vali, còn cô gái ôm một bó hoa, hai người ghé xuống lề đường lấy nước tưới hoa cho khỏi héo.” Đến đây ông cười lớn kể: “Vì đi guốc cao, cô gái không may bị trượt chân xuống bùn rồi kêu thất thanh. Thấy vậy tôi như một con sóc lao nhanh đến giải cứu cô ấy và bó hoa khỏi bị bẩn. Lần đầu tiên trong đời cảm nhận được mùi hương từ một cô gái xinh đẹp khiến tim tôi khi ấy loạn nhịp. Tôi bắt đầu chạy một mạch về cửa hàng rồi bồi thêm dòng chữ “sửa xe máy” thêm vào biển hiệu. Khi đôi trai gái dắt xe đến cửa hàng nhờ sửa xe, tôi tháo tung máy ra, cứ hì hục sửa chữa cả đêm tháo ra rồi lại lắp vào, cho tới sáng chiếc xe mới chịu nổ máy. Lúc thanh toán, đôi nam nữ còn tặng tôi một bánh xà phòng Camay, mùi bánh xà phòng thơm phức, tôi vui mừng và thích thú lắm”.
Cũng kể từ đó ông Cường mày mò sửa xe máy và đam mê với nghề. Ông kinh doanh bằng cách “mông má” lại những chiếc xe máy cũ nát bán cho khách. Hơn nữa ông còn cải tiến từ xe 3 số thành 4 số, từ côn tự động sang côn ly hợp, chế tạo thành công “đầu bò” và xilanh. Ông còn tự hào kể rằng: “Hồi đó chưa ai làm được xilanh, vì vậy bao nhiêu sản phẩm tôi làm ra đều bán hết veo”.
Với những nỗ lực cố gắng của tuổi trẻ, tên tuổi của ông Cường được biết đến với biệt danh “Vua xe máy”. Những sản phẩm của ông thời bấy giờ được đông đảo mọi người ưa chuộng và hiếm có đối thủ cạnh tranh nào sánh được.
Vua cầu
Cuộc đời Nguyễn Tăng Cường bước sang trang mới khi vào năm 1992, với tiền đề từ kinh doanh thành công xe máy, ông thành lập nên Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung. Tại đây ông cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư sản xuất thành công hàng trăm mác thép chịu mòn, thép chịu nhiệt, chịu axit, thép hợp kim. Thời điểm ban đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn khi chào hàng bởi người ta đã hình thành niềm tin rằng những sản phẩm này chỉ nước ngoài mới có thể làm được.
Dẫu vậy, ông Cường vẫn kiên trì tìm mọi cách để sản phẩm có thể tiếp cận với khách hàng. Lúc đầu ông bán chịu sản phẩm của xí nghiệp cho các nhà máy công nghiệp, nếu dùng thấy tốt mới phải trả tiền. Không nằm ngoài dự đoán, sản phẩm làm từ sắt thép vụn của ông Cường giá rẻ lại nổi trội hơn hàng ngoại nhận được tín nhiệm của nhiều nhà máy. Qua nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, Cơ khi Quang Trung đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2006, riêng ông Nguyễn Tăng Cường vinh dự nhận được danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Cũng trong khoảng thời gian lập nghiệp, ông cũng từng có thời gian thu gom sắt vụn. Ở thời chiến, nhiều công trình cầu cống bị phá hủy, đắm chìm xuống sông bởi bom mìn. UBND tỉnh Ninh Bình đã ra chỉ đạo Đoàn thanh niên đi cắt phá, thu gom sắt thép để giải phóng lòng sông. Đối với phần nổi của cầu được lực lượng thanh niên dùng oxy gas cắt gọn, nhưng phần sắt thép chìm sâu dưới đáy bùn thì không tài nào vớt lên được. Ông Cường bồi hồi nhớ lại: “Tôi hồi ấy đứng ra thuê 2 sà lan, cho hàn kín mặt boong và đánh chìm xuống nước. Sau đó thuê thợ lặn lấy cáp buộc vào cầu rồi bơm nước ra để sà lan nâng cầu lên. Với phương pháp này, cả 3 cây cầu đều được tôi trục vớt thành công”.
Ấy vậy mà khoảng 6 tháng sau khi trục vớt cầu thành công, bỗng nhiên ông bị cán bộ công an đến để lập biên bản và ông được thông báo có khả năng bị truy tố về hành vi “Phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”. Ngay sau đó, bộ công an đã xin ý kiến lên bộ Giao thông vận tải về trường hợp của ông Nguyễn Tăng Cường.
Bấy giờ ông Bùi Danh Lưu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo cấp bằng khen chứ không phải kết tội ông Cường. Ông Lưu cho biết thêm, nhờ ông Cường cây cầu đã giải phóng được ách tắc giao thông đường thủy trong khi Bộ Giao thông vận tải vẫn đang loay hoay tìm phương án giải quyết. Chính nhờ sự kiện này mà ông Nguyễn Tăng Cường được biết thêm với biệt danh “Vua cầu”.
Thêm vào đó, Bộ Giao thông vận tải còn giao cho ông thực hiện hàng chục cây cầu để giải quyết ách tắc giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tập thể kỹ sư của Xí nghiệp Quang Trung còn chế tạo những chiếc cầu treo tuổi thọ trên 25 năm nhằm thúc đẩy giao thông và đời sống xã hội ở những vùng sâu, vùng xa. Với thành tích đạt được, ngày 14/11/2015, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng khen của Thủ tướng chính phủ cho cá nhân ông. Tới nay, khi Xí nghiệp Quang Trung trở thành Tập đoàn Quang Trung, ông Cường đã thực hiện thành công không ít những chiếc cầu treo dân sinh góp phần cải thiện cuộc sống người dân, giúp giao thông đi lại thuận lợi, trẻ em được cắp sách tới trường.
Cầu treo dân sinh thực hiện bởi Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung
Vua thép
Còn nhớ những năm 90, khi bối cảnh kinh tế Việt Nam đang chuyển mình, những sản phẩm thép đặc chủng công nghiệp phải nhập khẩu với giá rất cao ở bên ngoài, tất cả các nhà máy luyện kim, trường Đại học chưa thể chế tạo thành công lĩnh vực này. Một lần nữa ông thể hiện bản thân khi bước vào thử thách chưa ai làm được. Ông Cường quyết tâm chế tạo thành công hơn 100 loại thép đặc chủng. Cũng từ đó cái tên Nguyễn Tăng Cường được biết đến nhiều hơn với mệnh danh “Vua thép”.
Vua đúc
Một trong những ngành nổi bật mà tập đoàn Quang Trung phát triển là đúc. Trong một bài phỏng vấn, ông Nguyễn Tăng Cường đã từng phát biểu rằng: “Để cho ngành chế tạo máy của Việt Nam phát triển, tôi thiết nghĩ phải có 6 lĩnh vực chúng ta cần phải đầu tư: Thứ nhất là thiết kế, thứ hai là chế tạo khuôn mẫu, thứ ba là đúc, thứ tư là gia công cắt gọt, thứ năm là nhiệt luyện, thứ sáu là lắp ráp”.
Với tuy duy đi trước thời đại, tập đoàn Quang Trung dưới sự dẫn dắt của ông Cường đã làm chủ và sản xuất được nhiều sản phẩm có độ chính xác cao. Điển hình là sáng kiến bánh răng mâm xoay cẩu chân đế. Vào thời điểm bấy giờ, nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp chưa tin tưởng Quang Trung bởi họ cho rằng dây chuyền đúc và máy gia công cắt gọt vài trăm triệu đô nhập khẩu từ nước ngoài mới có thể làm được. Ấy vậy mà cơ khí Quang Trung đã phân chia chuyển động thành các cột độc lập và làm ắc cho bánh răng cỡ lớn. Sáng kiến này đã giúp Quang Trung chiếm lĩnh thị trường, đẩy lùi hàng ngoại.
Nhờ có dây chuyền đúc, luyện thép đồng bộ, Quang Trung chế tạo phôi hàng trăm tấn sản phẩm một ngày, từ thành công đúc những thép mác cao chịu nhiệt cho lò nung xi măng, thép chịu axit cho Supe Phốt phát Lâm Thao cho phép nhiều sản phẩm ra đời với yêu cầu khắt khe nhất. Công nghệ đúc đã đóng góp một phần không nhỏ cho các lĩnh vực khác của Quang Trung giúp Quang Trung có thể chế tạo những sản phẩm, thiết bị Việt Nam chưa từng có trước đó.
Một số sản phẩm đúc của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung
Vua cẩu
Ngoài những biệt danh trên ông Cường được biết đến nhiều hơn cả với cái tên “Vua cẩu”. Với kinh nghiệm, kiến thức tích lũy qua nhiều năm, ông bước chân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới - sản xuất cầu trục, cổng trục, cần cẩu. Sự dấn thân này của anh thợ sửa xe đạp khiến người ta băn khoăn tự hỏi liệu rằng anh sẽ làm được gì bởi lẽ lĩnh vực này cần trình độ công nghệ cao và đầu tư một khoản tiền cực lớn.
Khi được hỏi về những công việc trong giai đoạn đầu, ông tâm sự: “Hồi ấy tôi thu mua những bộ phận cẩu trục cũ của Nga như hộp giảm tốc, rồi cải tiến cho phù hợp với điều kiện, trình độ sử dụng tại Việt Nam. Mất vài năm, tôi và đội ngũ kỹ sư của Xí nghiệp đã hoàn thành chiếc cẩu trục đầu tiên, với hộp số trọng lượng chỉ 1 tấn chứ không phải 10 tấn như của Nga. Vì vậy giá thành cẩu trục rẻ hơn đồ nhập khẩu rất nhiều”.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện nay Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung nay được gọi là Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung luôn dẫn đầu về công nghệ sản xuất cần cẩu siêu trường, siêu trọng “made in Vietnam”, chuyên cung cấp cho các ngành đóng tàu, thủy điện, dầu khí,... với giá thành chỉ bằng 70% so với giá nhập ngoại.
Dự án công trình thủy điện Sơn La với cẩu 1200 tấn
Hơn nữa, Quang Trung cũng đã chế tạo được khoảng 50 chủng loại cẩu và mở ra một trang mới cho ngành cơ khí Việt Nam. Những gì ông Nguyễn Tăng Cường đã và đang làm khiến giới khoa học phải ngỡ ngàng, coi ông là “phù thủy cơ khí” bởi những đóng góp không thể đo đếm được cho một đất nước vốn thuần nông.
Từ dự án nhà máy Sesan, dự án nhà máy thủy điện Sơn La đến các dự án trọng điểm quốc gia khác, Tập đoàn Quang Trung đã đảm nhận được gần như tất cả mọi phần việc. Nổi bật nhất phải kể đến chiếc cẩu trục tải trọng 1200 tấn được chế tạo và vận chuyển lên thủy điện Sơn La có tỷ lệ nội địa hơn 80%. Ông “Vua cẩu” còn ghi dấu ấn khi gắn liền tên tuổi với các công trình như cảng biển nổi ở Hải Hà, máy phát điện từ năng lượng sóng biển ở Hải Hậu hay nối ống dầu ngoài khơi cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Ông Nguyễn Tăng Cường - Niềm tự hào của người dân Ninh Bình
Mặc dù được phong “vua” và “oanh tạc” trên các lĩnh vực hàng đầu đất nước, ông Cường vẫn nhớ về quê hương và đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Ninh Bình. Ông thành lập Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh nhằm tài trợ và hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, luôn nỗ lực vươn lên đóng góp xây dựng quê hương và phát triển đất nước.
Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường còn ủng hộ toàn bộ số tiền thưởng 200 triệu đồng từ Giải thưởng Hồ Chí Minh mà ông miệt mài ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm . Ông quan niệm cho đi là còn mãi, vậy nên những gì ông trao tặng thế hệ trẻ là hạt giống cho cho phát triển của quê hương Ninh Bình ngày càng tươi đẹp hơn.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp ủng hộ quỹ vì người nghèo, hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Ông là “hoa của thép”, là con người kiên cường dám đương đầu với mọi thách thức, lấy gian nan làm cơ hội để chinh phục và khẳng định bản thân. Thành quả ngày hôm nay ông nhận được là hoàn toàn xứng đáng với công sức của những năm tháng tuổi trẻ và với niềm đam mê bất tận với khoa học kỹ thuật.
Chính vì lẽ đó, ông Nguyễn Tăng Cường là niềm tự hào của người dân Ninh Bình, là tấm gương cho các em học sinh noi theo. Nhắc về Xí nghiệp Quang Trung, không khó để có thể bắt gặp gương mặt rạng rỡ, hạnh phúc và đầy tự hào ánh lên trong đôi mắt của những người dân Ninh Bình. Quan trọng hơn, ông nhận được không ít những tâm thư, những món quà của các em học sinh bày tỏ tình cảm mến mộ đối với người Anh hùng Lao động.
Với biệt danh vua thép, vua đúc, vua xe máy, vua cầu, vua cẩu, hoa của thép, phù thủy cơ khí và còn rất nhiều cái tên khác sau này bởi những đóng góp và tiên phong của ông trong mọi lĩnh vực là không giới hạn. Người đàn ông với cái đầu trọc lốc, tiếng cười giòn vang, giọng nói ấm áp khiến bao người nể phục cứ thế lặng lẽ cống hiến cho đời.